Nước sông Gianh dâng cao, nhiều địa phương đã ngập lụt
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều 30 đến chiều 31/10, tại Quảng Bình có to mưa đến rất to. Nước sông Gianh lên cao, gây lũ lụt nhiều địa phương ở vùng ven sông.
Nước sông Gianh dâng cao, nhiều thôn xóm ở phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) ngập trong nước.
Từ 1h ngày 30/10 đến ngày 31/10 ở tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to, đặc biệt ở phía bắc tỉnh mưa rất to. Tổng lượng mưa khu vực phía Bắc phổ biến từ 150 đến 220mm, có nơi mưa lớn hơn như: Đồng Tâm 248mm, Tân Mỹ 247mm, Quảng Minh 234mm. Đây là đợt mưa khá lớn, có thể gây thiệt hại lớn, trong khi Quảng Bình vừa bị ảnh hưởng nặng nề do đợt lũ lụt giữa đầu tháng 10.
Để tiếp tục chủ động phòng, chống và ứng phó với tình hình lũ lụt xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã có công điện về tiếp tục chủ động phòng, chống và ứng phó với tình hình lũ lụt.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân và các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện phương châm “4 tại chỗ” từ hộ gia đình, đến làng xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh; không trông chờ vào sự hỗ trợ, không chủ quan, lơ là; chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đủ dùng trong thời gian mưa lũ, bị chia cắt, tối thiểu 7 ngày.
Người dân lùa trâu bò đi tránh lũ.
Cảnh báo cho dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét biết thông tin để chủ động các biện pháp ứng phó. Chủ động tổ chức, thực hiện các phương án di dời dân tại các vùng nguy hiểm, vùng thường bị ngập lụt chia cắt.
Theo thông tin từ lãnh đạo các xã: Văn Hóa, Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa và vùng nam thị xã Ba Đồn, nước lũ sông Gianh đang lên nhanh, nhiều làng mạc, nhà cửa đã bị ngập, trong khi hậu quả của cơn lũ vào tuần trước chưa thể khắc phục.
Chủ tịch UBND xã Quảng Hải Cao Xuân Ngọc cho biết, sáng ngày 31/10, đoạn đê cuối làng bị vỡ, nước lũ tràn vào làm hàng chục ngôi nhà bị ngập lụt. Lực lượng tại chỗ của địa phương nỗ lực hàn vá đê nhưng không thành công vì nước lớn chảy xiết.
Theo người dân sống ở vùng cồn bãi giữa sông Gianh, rất có thể xảy ra một trận lũ lớn tiếp theo trên địa bàn, vì lượng nước ở các hồ chứa đã đầy, trên đồng ruộng, ao hồ vẫn chưa rút hết từ trận lũ trước.
Công tác ứng phó với lũ lụt đang được các địa phương tại Quảng Bình thực hiện khẩn trương để giảm tổn thất do trận lũ thứ hai trong tháng 10 gây ra.
Như vậy, trong nửa tháng nay, người dân Quảng Bình đối mặt với hai trận lũ, lũ chồng lên lũ.