Cán bộ Mặt trận giúp dân thoát nghèo
Nhắc tới câu chuyện thoát nghèo của gia đình Rmah Xoa (buôn Linh A, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện, Gia Lai), nhiều người không khỏi trầm trồ thán phục. Bởi cách đây chưa đầy 3 năm, gia đình Rmah Xoa vẫn nằm trong diện cứu đói mùa giáp hạt. Dù siêng năng nhưng do tập quán canh tác lạc hậu đã “ăn sâu, bám rễ” vào trong tiềm thức khiến cuộc sống gia đình cứ mãi luẩn quẩn trong đói nghèo.
Dẫn chúng tôi đi thăm mảnh vườn đã được cải tạo, bố trí một cách khoa học, ông Xoa tự hào: “Trước đây nhà mình nghèo lắm, phải chạy ăn từng bữa. Cũng vì đói và ăn uống không hợp vệ sinh nên cả nhà thường bị đau, phải đi vay nợ để làm lễ cúng đuổi con ma. Giờ đã thoát nghèo nhưng niềm vui lớn nhất là gia đình đã tìm được hướng đi mới trong sản xuất, canh tác, con cái được đi học... gia đình quyết định xây một căn nhà mới khang trang hơn...”, Rmah Xoa chia sẻ.
Không riêng gì gia đình ông Rmah Xoa, đi lên từ nghèo khó, đôi vợ chồng trẻ Ksor H’Ban, buôn Dù A, xã Ia Mlah, huyện Krông Pa vẫn còn nhớ như in những ngày đói khổ. Cưới nhau, ra ở riêng, không có vốn, không có kinh nghiệm làm ăn nên cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo bám.
Năm 2014, gia đình chị Ksor H’Ban được MTTQ huyện Krông Pa hỗ trợ về phân bón, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật đưa giống mỳ cao sản vào trồng và chăm sóc. Giờ đây, không chỉ thoát nghèo, gia đình chị còn sở hữu 2 ha mỳ, hơn 10 con bò và dê lai, xây dựng được một căn nhà khang trang. Chị H’Ban vui mừng cho biết, nếu trước đây trồng mỳ dùng bò để cày, làm cỏ thì nay đã thay thế bằng máy móc nên năng suất cao hơn mà cũng không vất vả.
Phải nói rằng, thành quả “vượt” nghèo của gia đình Rmah Xoa, Ksor H’Ban và hàng ngàn hộ gia đình khác, thời gian qua có sự đóng góp công sức rất lớn của những người làm công tác Mặt trận các cấp. Ông Ksor Soa - Chủ tịch MTTQ huyện Phú Thiện cho biết, cùng với việc huy động các nguồn lực hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, Mặt trận các cấp đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền tập trung hỗ trợ cây, con giống, phân bón. Đến nay số hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 2.608 hộ (chiếm 15,32%), nhiều hộ dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, thâm canh tăng vụ, giúp nâng cao năng suất cây trồng.
Nhiều năm gắn bó với công tác giảm nghèo, giúp đỡ người nghèo, ông Nguyễn Thành Nuôi - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Gia Lai đánh giá cao thành quả giảm nghèo cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Riêng MTTQ tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết đưa Cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tôc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với thực tiễn giảm nghèo của địa phương.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Nuôi cho biết, theo chuẩn nghèo đa chiều (giai đoạn 2016 - 2020), hiện Gia Lai vẫn còn tới 19,71% hộ nghèo, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 70%; đặc biệt tại một số thôn, làng nhiều hộ gia đình họ không chỉ nghèo về vật chất mà còn nghèo cả về trình độ tri thức. Vì vậy trong vận động, tuyên truyền hoặc hỗ trợ cũng không nên quá đặt nặng vấn đề “trao cần câu hay con cá” mà cách thức tiếp cận hỗ trợ xóa nghèo phải linh động, nhạy bén trong từng đối tượng, trường hợp cụ thể.
“Quan trọng hơn, làm công tác Mặt trận cần phải sâu sát dân tình, biết họ khó khăn chỗ nào, cần cái gì thì mình tư vấn, hướng dẫn họ. Nếu không thiết thực đi vào cuộc sống thì kết quả giảm nghèo trong giai đoạn tới hiệu quả sẽ không cao” - ông Nuôi nói.