Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho tăng, ni sinh
Sáng 2/11, tại Học viện Phật giáo Việt Nam, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương (HĐGDQPANTƯ) tổ chức Hội nghị Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho tăng, ni sinh của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình; Thủ trưởng cơ quan thường trực HĐGDQPANTƯ, Thiếu tướng Hồ Xuân Thức; Ủy viên Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Thượng tọa Thích Thanh Đạt; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng 544 tăng, ni sinh.
Hội nghị Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho tăng, ni sinh của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội diễn ra từ ngày 2-5/1.
Theo chương trình, 544 tăng, ni sinh của Học viện sẽ được phổ biến 6 chuyên đề. Đó là, Đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về dân tộc, tôn giáo gắn với quốc phòng an ninh trong tình hình mới; Đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân; Đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về bảo vệ an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng trong tình hình mới; Phòng chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với Việt Nam...
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình nhiệt liệt chào mừng và hoan nghênh các tăng, ni sinh đã về tham dự Hội nghị Bồi dưỡng.
Đồng thời, Phó Chủ tịch nhấn mạnh, việc bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức quốc phòng và an ninh cho các tầng lớp nhân dân được quy định trong Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, là một nội dung quan trọng góp phần tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, trước những diễn biến phức tạp của tình hình hiện nay, việc giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, biên giới, biển đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, trong đó, các vị tu sỹ, chức sắc các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng là hết sức quan trọng để sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cho biết, những năm qua, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đã được triển khai toàn diện trên phạm vi cả nước, đối tượng bồi dưỡng rộng rãi từ các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể ở Trung ương, đến cấp ủy, chính quyền các cấp; các vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo. Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên ở các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và trường của các tôn giáo đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Theo đó, 15 năm qua, đã có hơn 4 triệu lượt cán bộ các cấp và hơn 200.000 quý vị chức sắc, nhà tu hành và chức việc các tôn giáo được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (đạt tỷ lệ 65%); có hơn 40 triệu học sinh, sinh viên, hàng nghìn tăng, ni sinh vả chủng sinh ở các Học viện, trường trung cấp, Đại chủng viện… đã được giáo dục quốc phòng và an ninh.
Phó Chủ tịch Lê Bá Trình nhấn mạnh, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tăng, ni sinh đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng ở các cấp nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức cũng như trong thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Để Hội nghị bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các vị tăng, ni sinh của GHPG Việt Nam đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình đề nghị các học viên cần sắp xếp, bố trí thời gian tham gia đầy đủ và tham gia ý kiến đóng góp vào nội dung các chuyên đề cũng như phương pháp truyền đạt của báo cáo viên. Đồng thời, các báo cáo viên cần phát huy tốt trách nhiệm trong quá trình truyền đạt cho học viên.