Thủy điện xả lũ, dân tính đường ‘lên núi’

Tấn Thành - Chí Đại 02/11/2016 17:03

Tại Quảng Nam mưa lớn đã xảy ra trong mấy ngày qua, khiến giao thông nhiều nơi bị ách tắc, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Hiện tại nhiều thủy điện đang xả lũ, người dân tính đường chạy lên núi.

Một ngôi nhà ở thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh bị ngập nước.

Giao thông gián đoạn nhiều nơi

Sáng ngày 2/11, theo ghi nhận của chúng tôi, thì tại tuyến đường ĐT 609, đoạn qua cầu Khe 3, giáp ranh giữa xã Đại Hồng với Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam bị ngập nước sâu gần 1 mét, khiến các phương tiện xe máy, xe ô tô, xe buýt… không thể qua lại được. Sau đó, người dân địa phương đã dùng ghe, thuyền để vận chuyển các xe máy ra vào.

Còn tại các huyện miền núi, như huyện Đông Giang, mưa lớn khiến nhiều điểm trên tuyến Quốc lộ 14G đoạn đi qua địa bàn xã Sông Côn bị sạt lở nghiêm trọng với khối lượng khoảng 500m3.

Tại cầu Sông Vàng, đoạn qua khu vực Dốc Rùa thuộc thôn Ba Liêng, xã A Ting nước ngập sâu hơn 1m khiến giao thông đi lại bị chia cắt.

Đoạn đường ĐT 609 qua cầu Khe 3 ngập nước sâu.

Trong khi đó, tại huyện Nam và Bắc Trà My mưa lớn đã gây sạt lở nặng, khiến giao thông nhiều nơi bị gián đoạn cục bộ. Cụ thể, tại Km 70 trên tuyến Quốc lộ 40B thuộc địa phận xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, nối tỉnh Quảng Nam với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, mưa lớn khiến hơn 5.000 m3 đất đá phía taluy dương sạt lở tràn xuống nền đường, gây ách tắc giao thông.

Còn cống bản tại Km 84 Quốc lộ 40B bị sập, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Nước lũ dâng cao gây ngập sâu ngầm Sông Trường thuộc địa phận xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My khiến giao thông trên tuyến Quốc lộ 40B, đoạn từ Km 70 - Km 84 bị đình trệ hoàn toàn.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, đã kịp thời chỉ đạo Công ty cổ phần công trình giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam điều động hàng chục phương tiện các loại và hàng trăm công nhân đến hiện trường để san ủi lượng đất đá bị sạt lở, khơi thông cống rãnh, đảm bảo giao thông thông suốt.

Tuy nhiên do mưa lớn, ngầm Sông Trường bị ngập sâu nên công tác khắc phục hậu quả còn trở ngại.

Tại các điểm sạt lở trên Quốc lộ 40B, Công ty nói trên và chính quyền địa phương bố trí lực lượng trực canh không cho người và phương tiện qua lại để phòng ngừa rủi ro.

Ở những vị trí sạt lở nhẹ hơn, công ty cắm các biển báo, rào chắn để phòng ngừa tai nạn có thể xảy ra cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Thủy điện đang xả lũ tại Quảng Nam.

Thi nhau xả lũ, dân tính đường chạy lên núi

Sáng 2/11, nước sông Vu Gia dâng cao, gây ngập sâu tại tuyến ĐT610 dẫn lên các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Mưa lũ đã làm nhiều ngôi nhà ở khu vực cầu cũ Hà Tân, xã Đại Lãnh bị ngập sâu, có nhà bị ngập gần tới nóc.

Đáng lo ngại ngay trên cây cầu bắc qua thôn Thái Sơn, xã Đại Hưng, một số người dân bất chấp nguy hiểm, đứng trên các bè rác mắc kẹt dưới cầu để vớt củi.

Trước tình trên, để tránh tình hình xả lũ bất thường và an toàn đập, ngày 2/11, ông Huỳnh Tấn Đức, Phó Trưởng ban PCTT-TKCN Quảng Nam đã ký văn bản số 152/BCH, yêu cầu Công ty thủy điện Sông Bung, vận hành hạ dần mực nước hồ về mực nước trước lũ.

Còn Công ty cổ phần thủy điện Đak Mi 4 lúc 9h cùng ngày đã phát đi thông báo số 128/TB-CT thông báo: “Công ty sẽ vận hành cửa van cung tăng dần lưu lượng từ 500m3/s đến 2400 m3/s để hạ mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ (+255 m3/s) từ 14h”.

Cũng sáng ngày 2/11, BCH PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cũng cho phép thủy điện Sông Bung 4 (huyện Nam Giang) cũng đã tiến hành xả lũ với lưu lượng xả từ gần 265 m3/s đến đỉnh lúc 6h sáng cùng ngày là 644 m3/s. Đến 10h sáng nay (2/11), lượng xả lũ ở thủy điện Sông Bung 4 còn 547 m3/s.

Ông Ngô Xuân Yên, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: Sau khi nhận thông báo xả lũ của các thủy điện sông Bung 4, Đăk Mi 4, chính quyền xã Đại Lãnh đã phát thanh trên các loa đài ở các thôn trong xã để cho người dân nắm bắt được thông tin để di chuyển các đồ vật, trâu, bò lên những vùng đồi núi cao.

Một số người dân lo lắng đưa trâu, bò lên núi tránh lũ.

Hiện trên địa bàn xã Đại Lãnh có 10 thôn, trong đó, có thôn Hằng Phước Bắc với dân số 200 hộ dân là vùng thấp nhất dễ nguy cơ ngập nước cao.

Thôn Hạ Dục Bắc với 60 hộ và một số xóm thôn Hạ Dục Đông các tuyến đường liên thôn bị ngập nước sau chia cắt không thể qua lại được.

Bà Nguyễn Thị Bốn (52 tuổi), trú thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh cho biết: “Khi nghe thông tin xã lũ thủy điện Đăk Mi 4, tôi và nhiều người dân trong thôn rất lo sợ. Đồ vật, tài sản tôi đã dọn đưa lên gác nhà. Nếu nước mà dâng cao thì tôi và mọi người chạy lên trên đồi núi cao để tránh. Chỉ sợ ban đêm xả lũ nước dâng cao thì khó”.

Bà Bốn nói thêm: “Năm 2009, thủy điện A Vương xả lũ khiến nước dâng cao khoảng 2 mét, làm nhà cửa, trâu, bò chết cho dù người dân địa phương đã có phương án di dời lên đồi núi cao”.

Ông Nguyễn Hồi (53 tuổi), trú thôn 9, xã Đại Lãnh đang đưa trâu lên núi để tránh lũ cho biết: “Tôi nghe thông tin chiều này, thủy điện Đak Mi 4 xả lũ nên lo sợ mực nước sông sẽ dâng cao sẽ khiến nhà tôi sẽ ngập nước sâu nên đã đưa trâu lên núi trú, còn các gà, vịt, và đồ đạc của gia đình đã thu dọn đưa lên trên cao rồi”.

Rõ ràng với thông tin các nhà máy thủy điện xả lũ như vậy, chắc chắn vùng hạ du tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng lũ sẽ lên vào trong chiều và tối nay 2/11.

Trong khi đó mưa lớn vẫn diễn ra trên diện rộng, cuộc sống người dân nhất định bị ảnh hưởng. Các địa phương cần sớm vào cuộc về PCLB để hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra.

Tấn Thành - Chí Đại