Mắt sinh học giúp người mù lấy lại thị lực
Giới khoa học mới đây đã đạt được một bước đột phá to lớn trong việc phục hồi lại thị lực đã mất cho người khiếm thị, sau khi một người phụ nữ bị mù trong suốt 7 năm đã nhìn được hình hài vật thể và màu sắc nhờ được cấy một con mắt sinh học.
Ảnh minh họa.
Người phụ nữ 30 tuổi này đã được lắp đặt một con chip điện tử không dây vào não bộ bởi các nhà phẫu thuật tại Đại học California, bang Los Angeles (Mỹ), trong cuộc thử nghiệm sản phẩm mắt sinh học đầu tiên trên cơ thể người sống. Và kết quả là, người phụ nữ này đã có thể nhìn thấy các vệt màu sắc, các đường nét, và nhiều điểm khi tín hiệu được gửi từ não của bà tới một máy tính.
Người phụ nữ, người yêu cầu được giấu tên, không phải chịu bất kỳ hiệu ứng phụ nào trong quá trình cấy ghép và sử dụng mắt sinh học.
Mắt sinh học là một thiết bị điện tử được phát triển theo chương trình Orion 1 mà hãng Second Sight thực hiện, sử dụng công nghệ để phục hồi lại thị lực đã bị mất bằng cách bỏ qua khâu truyền tín hiệu qua dây thần kinh thị giác để kích thích trực tiếp phần vỏ não cho cảm giác về hình ảnh, theo Chủ tịch Rebert Greenberg.
Mắt sinh học được thiết kế cho những người không áp dụng được hệ thống võng mạc nhân tạo Argus II được Bệnh viện mắt Hoàng gia Manchester của Anh chế tạo hồi năm ngoái. Tuy nhiên khả năng ứng dụng của nó còn khá hạn chế do phải tùy thuộc vào các tế bào võng mạc của bệnh nhân.
Thiết bị mới này là một bước tiến đột phá, khi gửi tín hiệu trực tiếp tới não. Nó có khả năng phục hồi thị lực của những người đã bị mù hoàn toàn do một số nguyên nhân gồm ung thư, tăng nhãn áp, bệnh mang lưới hay do các tổn thương mắt.
Bước tiếp theo của chương trình nghiên cứu này là kết nối con chip được gắn vào não bộ với một camera gắn trên một cặp kính mắt. Hiện công ty Second Sight đang xin phép Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để tung ra sản phẩm thử nghiệm trong năm tới.