Báo cáo mới: MH370 không có người lái, lao nhanh xuống biển

Linh Chi 03/11/2016 09:00

Cơ quan An toàn Hàng không Australia (ATSB) hôm 2/11 đã đưa ra báo cáo mới nhất liên quan tới chuyến bay mất tích MH370 của hãng Malaysia Airlines, trong đó các nhà điều tra tin rằng chiếc máy bay này không có ai điều khiển khi nó mất độ cao và bổ nhào xuống biển.

Báo cáo mới: MH370 không có người lái, lao nhanh xuống biển

Giới chuyên gia kiểm tra một mảnh vỡ phần cánh máy bay được tìm thấy trên đảo Reunion. (Nguồn: AFP).

Báo cáo mới cho thấy MH370 đang “trên đà giảm độ cao nhanh và tăng dần” vào thời điểm mà nó liên lạc vệ tinh lần cuối, và một mãnh vỡ phần cánh của nó mới được tìm thấy trên đảo Pemba chưa bị rời ra khỏi thân vào lúc đó. Tất cả đều hợp lý với giả thuyết chuyến bay này đã không có người điều khiển lúc nó đang lao xuống biển trong thời khắc cuối cùng

ATSB hiện đang tổ chức một cuộc họp kéo dài 3 ngày với giới chuyên gia để cố gắng nới rộng khu vực tìm kiếm hiện tại xa hơn về phía Bắc. ATSB đã dẫn dắt chiến dịch tìm kiếm MH370 trong khu vực rộng 120.000 km vuông ở vùng biển Nam Ấn Độ Dương, và hiện chỉ còn 10.000 km vuông chưa được tìm kiếm, dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm sau.

Tuy nhiên, trong lúc mà khả năng tìm kiếm thêm mảnh vỡ của chiếc máy bay này là rất nhỏ, giới chuyên gia hàng không đang kêu gọi nới rộng vùng tìm kiếm về phía Bắc.

Báo cáo được công bố trong hôm 2/11 đã lấy chứng cứ là các cuộc phân tích những vị trí đã phát hiện ra mảnh vỡ để từ đó chỉ ra rằng địa điểm máy bay rơi “có thể nằm trong vùng tìm kiếm hiện tại, hoặc xa hơn về phía Bắc”.

Một số hệ thống phân tích giả lập cũng cho thấy các khu vực xa hơn về phía Bắc vùng tìm kiếm rất có khả năng tìm được thêm các mảnh vỡ khác, hơn là các khu vực khác.

Hiện nay, thế giới đã phát hiện hơn 20 mảnh vỡ có giá trị để điều tra, trong đó gồm 7 mảnh vỡ đã được phân tích và được xác nhận là thuộc về MH370. Tất cả đều được tìm thấy dọc các bờ biển phía Tây Ấn Độ Dương, gồm Madagascar, Mauritius, Reunion và Rodrigues. Không có mảnh vỡ nào được tìm thấy trên đất liền tại khu vực Tasmania hoặc Tây Australia, nên giới chuyên gia đã loại bỏ khả năng tìm kiếm sâu hơn về phía Nam.

Vẫn chưa rõ liệu các nỗ lực tìm kiếm có được kéo dài thêm hay không. Trước đây, trong một cuộc họp hồi tháng 7, Bộ trưởng Giao thông của Australia, Malaysia và Trung Quốc đã nhất trí rằng chiến dịch này sẽ ngừng hoàn toàn khi hoàn thành việc tìm kiếm khu vực hiện tại.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên liên quan tới chiến dịch tìm kiếm MH370 hiện đang được tổ chức ở Canberra nhằm đưa ra các đề xuất mới cho chiến dịch. Bộ trưởng Giao thông Australia Darren Chester cũng thể hiện rõ mong muốn Malaysia và Trung Quốc sẽ nhất trí tiếp tục cuộc tìm kiếm này.

Trong một tuyên bố hôm 2/11, ông Chester nói rằng báo cáo mới nhất của ATSB có chứa “những thông tin quan trọng về điều mà chúng ta tin là đã xảy ra với MH370”, thêm rằng các thông tin này sẽ hỗ trợ hữu ích cho chiến dịch tìm kiếm nếu nó được mở rộng.

Tuy nhiên, một người phát ngôn của ông Chester lại cho hay, việc mở rộng chiến dịch tìm kiếm này không nằm trong chương trình nghị sự của sự kiện đang diễn ra.

Việc mở rộng chiến dịch tìm kiếm là rất khó đạt được bởi nó cần sự đồng thuận của 3 chính phủ các nước có liên quan.

Thách thức hiện tại là liệu Australia có thuyết phục được Trung Quốc và Malaysia đóng góp thêm khoản chi phí có thể lên tới gần 23 triệu USD cho chiến dịch này hay không. Tính đến nay đã có 153 triệu USD được chi ra để triển khai các chiến dịch tìm kiếm dưới biển, và phần lớn khoản tiền này trở thành gánh nặng của Malaysia và Australia.

Thông tin mới trong báo cáo của ATSB được đưa ra là nhằm định hình một khu vực tìm kiếm mới, tuy nhiên nó lại thiếu các cam kết rót vốn. Ở thời điểm hiện tại, ATSB vẫn chưa đưa ra yêu cầu cấp vốn cho chiến dịch này.

Được biết, dù Australia đang dẫn đầu các chiến dịch tìm kiếm MH370 nhưng chính quyền Malaysia mới là nước chịu trách nhiệm về cuộc điều tra nguyên nhân chuyến bay này gặp nạn. Tại hội nghị thượng đỉnh Canberra đang diễn ra, đại diện các nước đều có mặt, nhưng Bộ trưởng Giao thông Malaysia lại không góp mặt.

Trước đó, trong một động thái bất ngờ hôm 1/11, hãng hàng không Malaysia Airlines đã cho phép các luật sư ở Sydney đại diện cho các gia đình nạn nhân được tiếp cận với số lượng lớn các thông tin lưu trữ của họ, trong đó gồm bản ghi nhớ các lần bảo dưỡng máy bay, thông tin về tình trạng sức khỏe của các phi hành đoàn.

Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines, trên đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh cùng 239 người trên khoang đã mất tích ngày 8/3/2014. Một mảnh vỡ phần cánh được tìm thấy trên đảo Reunion trong năm 2015, một vài mảnh khác được tìm thấy ở Đông và Nam Phi. Các giả thuyết đưa ra tới nay đều cho rằng hoặc có khả năng phi hành đoàn gây ra vụ tai nạn, lỗi kỹ thuật hoặc bị cướp.

Linh Chi