SOS: Cháy karaoke
Sau những “cái sự” liên tục cháy nhà, cháy chợ, cháy xe…bây giờ đã lại liên tiếp xảy ra cháy quán…karaoke. Điều càng làm xã hội, người dân lo lắng là cái sự cháy này không chỉ thiệt hại nặng về tài sản mà còn là tính mạng con người. Vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke ở 68 Trần Thái Tông (Quận Cầu Giấy- TP Hà Nội) đã là một điển hình của sự thiệt hại về tài sản, về người, báo động trong việc kinh doanh, công tác quản lý loại hình này.
Hiện trường vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ thuộc Bộ Công an, từ đầu năm đến nay trên địa bàn cả nước đã xảy ra 23 vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke.
Con số 23 vụ chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng thể các vụ cháy trong cả nước. Tuy nhiên, những vụ cháy này đều để lại những hậu quả lớn về tài sản, tính mạng con người, nhất là gây lo lắng cho người dân. Vụ cháy cơ sở karaoke 68 Trần Thái Tông đã là một sự điển hình về sự thiệt hại.
Hàng tỷ đồng tài sản, hàng chục người chết, chưa kể chi phí cứu chữa, khắc phục. Đồng thời với đó là sự đau khổ, kinh hoàng của người trong cuộc, thân nhân người bị nạn, hoang mang với người liên quan, ảnh hưởng việc kinh doanh của ngay chính những cơ sở, người kinh doanh karaoke.
Có thể nói vui chơi, giải trí là nhu cầu cần thiết của con người, nhất là khi xã hội phát triển, có điều kiện kinh tế. Hiện không ít những cơ sở karaoke có hàng chục phòng, những toà nhà cao nhiều tầng như cơ sở 68 Trần Thái Tông, những khu phố, “trung tâm” karaoke.
Karaoke phát triển, nở rộ âu cũng là chuyện bình thường, có thể nói là đáng mừng. Nhưng oái oăm thay, từ những sự cố liên tục cháy vừa qua cho thấy, hoạt động, quản lý các cơ sở này đang có vấn đề, rất đáng báo động.
Từ quy định của pháp luật trong việc xây dựng, thiết kế, hoạt động, cho đến vấn đề quản lý, giám sát...yêu cầu đặc biệt về PCCC đối những cơ sở kinh doanh này.
Thực tế cho thấy, vấn đề PCCC trong các cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay có quá nhiều bất cập, lắm nguy cơ. Đa số các nhà đều là nhà ống, cầu thang hẹp, thậm chí không có cả lối thoát hiểm.
Gần như 100% các phòng karaoke chỉ có một cửa ra vào. Không ít người khi vào đây chẳng khác gì như lạc vào mê cung. Trong khi đó, những vật liệu dùng xây dựng các phòng hát cách âm như hiện nay đều là những loại vật liệu dễ cháy như gỗ, mút, xốp, nhựa…khác gì những bó đuốc chưa châm lửa.
Nếu có những bất cẩn như tàn lửa hút thuốc, chập điện, và đặc biệt là lửa hàn thì hậu quả đương nhiên sẽ xảy ra. Trong khi đó, không ít cơ sở, nhân viên không được trang bị, tập huấn về PCCC, ứng phó với sự cố…
Nguyên nhân trực tiếp của vụ cháy ở 68 Trần Thái Tông, lại vẫn xuất phát từ sự bất cẩn, lại là những tia lửa hàn. Những tia lửa hàn từng đã bén vào lớp xốp, mút để làm lớp cách âm ở quán Zone 9, trên đường Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vài năm trước làm 6 người chết, 10 người bị thương. Cũng lại là lửa hàn vương vào lớp xốp, mút, gây hỏa hoạn tại Toà nhà Tháp đôi cao 29 tầng và 33 tầng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại 11 Cửa Bắc (quận Ba Đình- Hà Nội) vào tháng 12/2011.
Và người ta cũng không quên thợ hàn làm cháy tấm thảm lót nền... gây ra vụ cháy toà nhà Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC) ở quận 1, TP Hồ Chí Minh năm 2003, khiến 50 người thiệt mạng, cùng một khối tài sản khổng lồ.
Xung quanh các vụ cháy, nhất là cháy ở các cơ sở karaoke này cho thấy công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ cũng lắm vấn đề. Chậm, thiếu phương tiện, kiểu chữa cháy giản đơn vẫn là những hạn chế. Năm 2011, cả thành phố Hà Nội gần như bất lực khi việc chữa cháy trên tầng cao của Toà nhà Tháp đôi.
Và rồi người ta đã nghĩ đến chuyện phải có những xe thang lớn, máy bay trực thăng cứu người. Đến nay nhìn lại hậu quả của mấy vụ cháy gần đây khi lửa được dập tắt thì hầu như tài sản đã bị thiêu rụi, không ít người chết.
Đành rằng việc chữa cháy, nhất là chữa cháy các cơ sở karaoke, với vật liệu là xốp, mút, một loại vật liệu vừa dễ cháy, vừa sinh ra khói độc, vừa khó dập lửa. Đây cũng lại là vấn đề thêm báo động đối với các cơ sở karaoke, nhất là ở tầng cao.
Những vấn đề như đã nêu, những bài học như đã nêu, các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm, chủ cơ sở kinh doanh đều biết.
Ngay như cơ sở 68 Trần Thái Tông này, như chính Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, ông Dương Cao Thanh cho biết, tháng 10/2016, lực lượng chức năng sở tại đã 3 lần kiểm tra, đợt mới nhất vào 25/10.
Thế nhưng, dù cơ sở này chưa có giấy phép hoạt động, chưa hoàn thiện được các yêu cầu về PCCC, điều kiện về an ninh trật tự, vẫn hoạt động, vẫn cho người vào hát ngay cả khi đang sửa chữa, hàn biển quảng cáo.
Đành rằng chủ cơ sở vì lòng tham mà bất chấp pháp luật, nhưng vì sao các cơ quan chức năng không mạnh tay can thiệp xử lý? Cơ quan chức năng bất lực hay biết nhưng vẫn vô cảm, làm ngơ?
Xung quanh vụ việc, từ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã yêu cầu Công an Hà Nội khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục hậu quả; điều tra, kết luận nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xử lý theo quy định của pháp luật.
Các địa phương cũng đã được yêu cầu rà soát, tổng kiểm tra các cơ sở vui chơi, giải trí, tập trung đông người, nhất là các cơ sở có nguy cơ cháy nổ như quán karaoke, vũ trường, quán bar; khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC.
Đây là những động thái kịp thời, nhưng quan trọng nhất là vấn đề nâng cao trách nhiệm của những người thi hành công vụ, những chủ cơ sở kinh doanh.
Việc PCCC phải làm thường xuyên, liên tục hàng ngày, hàng giờ, nhất là nâng cao các kỹ năng PCCC, cứu hộ. Mỗi người phải nâng cao trách nhiệm, tự cứu lấy chính mình khi còn chưa muộn.