Tuyển sinh ĐH 2017: Nhiều trường đã có phương án thi riêng
Trong khi ĐH quốc gia Hà Nội tiếp tục triển khai thi đánh giá năng lực (ĐGNL) thì 12 trường ĐH thuộc nhóm GX do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì sẽ xét tuyển theo nhóm ngành và căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. ĐH Ngoại thương sẽ tổ chức thi và xét tuyển dựa trên những tiêu chí về kết quả trung bình bậc phổ thông và hạnh kiểm của các thí sinh.
Ảnh minh họa.
Theo Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, năm 2017 ĐHQGHN sẽ tiếp tục triển khai phương thức thi ĐGNL phục vụ tuyển sinh ĐH chính quy năm 2017 cho ĐHQGHN và gần 20 đơn vị ngoài ĐHQGHN với quy mô mở rộng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Trước đó, năm 2016 có thêm 8 trường ngoài ĐHQGHN cùng tham gia tổ chức thi và sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển. Qua thống kê và phân tích dữ liệu điểm thi của thí sinh qua hai bài thi ĐGNL ngoại ngữ và ĐGNL chung cho thấy, tỷ lệ thí sinh đạt từ 40/80 điểm trở lên đối với bài thi ĐGNL ngoại ngữ đạt 74,4%; tỷ lệ thí sinh đạt từ 70/140 điểm trở lên đối với bài thi ĐGNL chung đạt 64,8%.
Kết quả tuyển sinh năm 2016 cho thấy các ngành của ĐHQGHN có sự phân tầng rõ rệt, qua đó thấy được sức thu hút của các ngành theo nhu cầu xã hội. Kết quả này đạt được mục tiêu về chỉ tiêu tuyển sinh và chất lượng đầu vào. Quá trình xét tuyển được thực hiện công khai, minh bạch, có kiểm soát. Đây là tiền đề vững chắc để xây dựng đề án và phương thức tuyển sinh phù hợp cho năm 2017.
“Việc cần làm hiện nay là rà soát, bổ sung số lượng, chất lượng câu hỏi cho ngân hàng đề thi; gia tăng tính chất đánh giá năng lực của bộ đề thi và tăng cường yếu tố bảo mật đề thi; tiếp tục hoàn thiện các phần mềm cho việc thi và xét tuyển theo hướng phục vụ, sử dụng tốt nhất cho đội ngũ tổ chức thi và thí sinh” - ông Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Liên quan đến kỳ thi đánh giá năng lực, ĐH Quốc gia TP HCM vừa cho biết đang đưa ra Dự thảo về phương án tuyển sinh năm 2017.
Trong đó, các thí sinh sẽ tham gia thi trong 180 phút với bài thi trên giấy gồm 1 câu tự luận, 125 câu trắc nghiệm theo định hướng đánh giá năng lực học ĐH chứ không nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Cấu trúc bài thi gồm 2 phần: phần 1 đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ và phần 2 kiểm tra khả năng tư duy logic, giải quyết vấn đề.
Thí sinh không bắt buộc phải học thuộc lòng kiến thức mà câu hỏi sẽ xoáy vào những vấn đề thực tiễn với số liệu cụ thể, yêu cầu TS thể hiện khả năng suy luận, phân tích và giải quyết vấn đề.
Theo Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng ĐH Quốc gia TP HCM, ngay khi hoàn tất, đề thi mẫu sẽ được công bố để thí sinh tham khảo.
Tuy nhiên, do đây là năm đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nên ĐH quốc gia TP HCM không ép tất cả các đơn vị thành viên phải sử dụng kết quả kỳ thi này mà tùy thuộc vào đặc thù tuyển sinh cụ thể từng trường. “Có thể coi đây cơ sở để một số ngành hoặc trường cần có thước đo cao hơn có thể sử dụng để xét tuyển thí sinh” - một lãnh đạo trường cho biết.
Trong khi đó, nhóm GX vừa tổ chức họp và đưa ra quyết định xét tuyển ĐH năm 2017 của các trường trong nhóm trên nguyên tắc xét tuyển theo nhóm ngành và lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia làm căn cứ xét tuyển.
Điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả Điểm xét của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào (1, 2, 3 hay 4) giữa các thí sinh đã đăng ký vào nhóm ngành đó.
Việc này nhằm bảo đảm kế hoạch chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường cũng như tránh được tình trạng thí sinh “ảo”. Được biết, năm 2016, nhóm GX đã tránh được ảo rất tốt, hầu hết các trường đều tuyển sinh đạt trên 95% chỉ tiêu đề ra.
Về phía Trường ĐH Ngoại thương, Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn cho biết, về cơ bản Trường ĐH Ngoại thương vẫn tin tưởng vào kết quả thi theo đề chung của Bộ GDĐT.
Tuy nhiên, để ổn định lâu dài và phù hợp với chỉ đạo của Bộ, nhà trường đang nghiên cứu phương án tuyển sinh riêng và sẽ thay đổi từ năm nay.
Dự kiến trong tháng 11 Trường ĐH Ngoại thương sẽ chính thức công bố phương án tuyển sinh để thí sinh có thời gian chuẩn bị.
Động thái chuẩn bị các phương án tuyển sinh của các trường đại học phù hợp với chủ trương hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ vừa khẳng định, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông.
Sẽ có 5 bài, gồm: 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); 2 bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với giáo dục THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với giáo dục thường xuyên).
“Với phương thức như vậy, các cơ sở giáo dục ĐH có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh. Những trường có yêu cầu cao, trường có ngành đặc thù, năng khiếu có thể tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên biệt hay tổ chức thi môn năng khiếu theo quy định để lựa chọn được thí sinh vào học các ngành phù hợp”-Bộ trưởng khẳng định.