Đừng đánh giá giáo viên bằng thành tích học sinh
Câu chuyện học sinh ngồi nhầm lớp luôn là vấn đề nóng và hầu như năm nào cũng phát hiện thêm những trường hợp. TS Vũ Thu Hương–giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học-Trường ĐHSP Hà Nội chia sẻ về thực trạng này.
TS Vũ Thu Hương.
Thưa TS, bà có nhìn nhận như thế nào về việc “ngồi nhầm lớp” vẫn cứ tiếp diễn?
TS Vũ Thu Hương: Nguyên nhân theo tôi do chúng ta đánh giá mọi thứ bằng điểm mà chúng ta không nghĩ tới tác động quan trọng hơn với con trẻ. Đối với một con người thì điểm số chỉ có giá trị tức thời.
Tính cách, kỹ năng và kiến thức có thật trong đầu con mới là quan trọng nhất để tạo lập đứa trẻ nhưng chúng ta chưa để ý đến điều đấy.
Đầu tiên là các thầy cô giáo dạy các cháu trong trường rất lo lắng tới thành tích của nhà trường trong thời điểm hiện tại và chính vì vậy nghĩ tốt nhất cho các cháu lên lớp hết, lên lớp hết thì các cháu cũng sẽ học được thôi.
Vì một thực tế chương trình tiểu học rất dễ, các thầy cô biết điều đó nên họ nghĩ đứa trẻ cố một chút là được nhưng chính vì chúng ta sống quá ảo như thế nên không có thực chất.
Nếu đứa trẻ bình thường thì chương trình tiểu học dễ nhưng với những đứa trẻ đã có một chút đuối của những lớp dưới thì lên những lớp trên thực sự là một vấn đề lớn.
Việc mà thầy cô giáo làm như thế không chỉ khiến cho đứa trẻ gặp những khó khăn khi chúng đi học mà còn khiến cho các em khác hình thành suy nghĩ học là một điều rất là ảo.
Việc học sinh “ngồi nhầm lớp” sẽ chịu những tác động như thế nào về lâu về dài, thưa TS?
- Việc đầu tiên là đứa trẻ sẽ thiếu tự tin. Thứ hai đứa trẻ dần dần hiểu ra vấn đề điểm số mới là thứ quan trọng, miễn sao lên lớp là được, dẫn đến những đứa trẻ sẽ có những cách học để lên lớp như quay cóp, nói dối, đó là những nhân cách rất tồi tệ. Từ những chuyện đấy có thể sinh ra những con người nói dối, thậm chí làm những việc mờ ám.
Khi chúng ta làm cái gì đấy chúng ta hãy suy nghĩ 10-20 năm sau những hành động chúng ta đang làm sẽ có ảnh hưởng như thế nào với từng con người và xã hội.
Với đứa trẻ bây giờ ngồi nhầm lớp 10 năm sau chưa chắc nó đã xong được phổ thông. Như vậy chúng ta chuốc cho xã hội một gánh nặng là nuôi dưỡng 1 đứa trẻ đi học quá thời gian quy định.
10- 20 năm sau có thể những đứa trẻ không thể học hành một cách chỉn chu được, may mắn thì kiếm được một công việc tay chân nhưng không may thì có thể không học xong và lúc đấy cuộc đời của nó rất dở dang và có thể lao vào những con đường không chính thống. Lúc đấy bản thân đứa trẻ bị trả giá và xã hội cũng bị trả giá.
Với những đứa trẻ đã lỡ ngồi nhầm lớp, theo TS nên học lại như thế nào?
- Thực ra ngoài bậc phổ thông còn có bổ túc văn hóa, mức độ yêu cầu thấp hơn, Những cháu này thì phù hợp với mức độ đấy. Hơn nữa những trường bổ túc văn hóa không áp lực nhiều như trường phổ thông, người ta chỉ quan tâm bạn đủ khả năng học nhưng vì lý do nào đó học chậm hơn thì người ta sẽ đẩy nhanh tiến độ để theo kịp.
Ở trường bổ túc văn hóa thì không đếm số hs giỏi khá hay đúp để đánh giá về trường. Phương án tốt nhất là hãy chuyển sang 1 hệ giáo dục khác thì sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Khi bạn sống trong môi trường bạn cảm thấy bạn có rất nhiều khó khăn thì cho dù người ta có giúp đỡ như thế nào bạn vẫn cảm thấy khó khăn quá lớn nhưng khi chuyển sang môi trường khác, gặp những con người khác, bạn cảm thấy thách thức đó giảm đi, ít nhất người ta chưa biết mình là ai, người ta phải khám phá về bạn, bạn có cơ hội thể hiện mình, có thể đem lại cho bạn những kết quả tốt để vững tin học hành.
Suy cho cùng vẫn do căn bệnh thành tích. TS có đề xuất gì để hạn chế vấn đề này?
- Nếu chúng ta đánh giá thành tích giáo viên bằng thành tích học sinh thì giáo viên họ sẽ dần dần cố gắng đẩy thành tích học sinh lên cao, bệnh thành tích vẫn cứ tiếp diễn. Đấy chính là nguyên nhân khiến câu chuyện ngồi nhầm lớp xảy ra.
Trân trọng cảm ơn TS!