Lại lo hàng Trung Quốc giá rẻ lấn sân
Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016-2018 có hiệu lực với hàng trăm mặt hàng được cắt giảm thuế nhập khẩu về 0%, hàng Việt lại lo đối mặt với nguy cơ hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào trong nước.
Xấp xỉ 90% sản phẩm ở các hệ thống siêu thị là hàng Việt, một số siêu thị, tỷ lệ hàng Việt lên tới 95%. Điều này cho thấy, hàng Việt đã ngày càng có chỗ đứng tại thị trường trong nước, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Song, giới chuyên gia lo ngại, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016-2018 có hiệu lực với hàng trăm mặt hàng được cắt giảm thuế nhập khẩu về 0%, hàng Việt lại lo đối mặt với nguy cơ hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào trong nước.
Vừa có chỗ đứng, hàng Việt lại lo hàng ngoại nhập giá rẻ lấn sân.
95% hàng Việt vào siêu thị
Theo thời gian, cùng với sự nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa của các DN Việt, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đã ngày càng lớn dần lên đối với các sản phẩm hàng hóa “made in Việt Nam”.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công thương), tính đến thời điểm hiện nay, hàng Việt đã chiếm lĩnh một tỷ lệ không nhỏ (khoảng 90%) tại các siêu thị, các đại lý bán lẻ trên cả nước. Đặc biệt, tại hệ thống siêu thị Big C, hàng Việt chiếm tỷ lệ lớn, lên đến 95%.
Những con số nói trên cho thấy, người Việt ngày càng ưa chuộng sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, bản thân các DN Việt cũng đã luôn tìm cách cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm để nâng sức cạnh tranh.
Theo ông Đinh Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Ladoda, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm, đầu tư nhiều cho khoa học công nghệ, lãnh đạo công ty còn tìm hiểu tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam để đưa ra những dòng sản phẩm phù hợp với các đối tượng người tiêu dùng trong nước.
“Chúng tôi luôn tìm cách đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt, vì trong kinh doanh, chữ tín mới là quan trọng”-ông Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cũng cho hay, đến thời điểm này, tỷ lệ hàng Việt tại Big C đã lên tới 95%.
Theo ông Dũng, sở dĩ hàng Việt ngày càng chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng trong nước là bởi, các DN Việt không những tập trung vào chất lượng sản phẩm mà còn đầu tư vào khâu thiết kế mẫu mã, bao bì-điều mà trước đây các DN trong nước thường bị thua thiệt các DN nước ngoài do không quan tâm.
Ông Dũng cũng khẳng định, trong hai, ba năm trở lại đây, các sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước được tiêu thụ mạnh hơn so với trước. Điều này cho thấy, tư duy của người Việt Nam về hàng nội đã ngày càng thay đổi, hàng Việt có chỗ đứng ngày một vững chắc hơn trong mỗi người tiêu dùng Việt Nam.
Mối lo tái phát
Tuy nhiên, liệu chỗ đứng của hàng Việt tại thị trường nội địa có được vững chắc không? Đây là câu hỏi được dư luận đang đặt ra trước việc mới đây Chính phủ đã ban hành nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016-2018, với hàng trăm mặt hàng được cắt giảm thuế nhập khẩu về 0%.
Cụ thể, theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo nghị định nêu trên, hàng loạt mặt hàng từ Trung Quốc và các nước ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng mức thuế suất 0%.
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, khi có biểu thuế này, chắc chắn hàng hóa sản xuất trong nước sẽ rất khó cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc về giá, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.
Đã có một thời gian dài, hàng nội địa bị hàng Trung Quốc lấn sân vì không thể cạnh tranh nổi về giá, thì nay, mối lo này lại tái phát. Ông Trần Công Hương, giám đốc một DN sản xuất và chế biến thủy sản ở Cần Thơ thẳng thắn, đã đến lúc nhà quản lý cần phải dựng ngay những rào cản kỹ thuật chặt chẽ để có thể ngăn chặn nguy cơ này.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, bản thân các DN Việt cũng phải tự tìm cách để giữ vững chữ tín với người tiêu dùng bằng cách cho ra thị trường được những sản phẩm, hàng hóa chất lượng tốt, đảm bảo an toàn cũng như thu hút về mẫu mã.
Theo bà Lê Việt Nga, Vụ Phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thời kỳ hội nhập, chuyện “giao lưu” là không thể tránh nhưng điều quan trọng là các DN phải luôn nỗ lực cải tiến chất lượng, mẫu mã.
“Đứng trước hai sản phẩm có chất lượng ngang nhau, người dân sẽ chọn sản phẩm có chất lượng tốt hơn và mẫu mã đẹp hơn” – bà Nga nêu quan điểm.