Mạnh tay thoái vốn

T.Hằng 03/11/2016 09:25

Tính đến cuối tháng 10/2016 đã có 51 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 Tổng công ty nhà nước.

Mạnh tay thoái vốn

Ảnh minh họa.

Tổng giá trị thực tế của 51 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 32.032 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 23.344 tỷ đồng.Riêng về tình hình thoái vốn đầu tư ngoài nghành, có thêm 3 Tổng công ty báo cáo bổ sung tình hình thoái vốn tại các lĩnh vực ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm.

Những cái tên đình đám như Tổng công ty (TCT) ACC thoái 10,4 tỷ đồng thu về 10,5 tỷ đồng; TCT phát triển khu công nghiệp Đồng Nai thoái 3,8 tỷ đồng, thu về 4,6 tỷ đồng; TCT cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn thoái 57,2 tỷ đồng, thu về 58,1 tỷ đồng cũng đã khiến cho quá trình thoái vốn ngoài ngành trở nên khá sôi động.

Song kết quả tổng hợp cũng cho biết, các tập đoàn, tổng công ty trong quá trình đi đầu tư ngoài ngành không hề lãi mà chỉ có lỗ và thất thoát. Tại 5 lĩnh vực nhạy cảm ( chứng khoán, bất động sản, ngân hàng...) các Tập đoàn, Tổng công ty đã thoái được 481 tỷ đồng song con số thu về là 441 tỷ đồng.

Chẳng hạn Tổng công ty Thanh Lễ thoái 100,6 tỷ đồng tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ, thu về 18,3 tỷ đồng. Điều này cho thấy nhiều anh cả bỏ tiền đem đi đầu tư trong nhiều năm hi vọng sinh lời và thực tế kết quả thu về thấp hơn mong đợi.

Trong thời gian qua các biện pháp để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN, thoái vốn ngoài ngành đưa ra cũng như các chính sách được gấp rút hoàn thiện.

Gần nhất là chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan và địa phương khẩn trương hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và địa phương (chưa được phê duyệt) đảm bảo đúng thời hạn đặt ra. Thế nhưng, các kết quả đạt được mỏng.

Nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình này là yếu tố con người mà cụ thể ở đây là lãnh đạo các doanh nghiệp có sự dè chừng, sợ mất vị trí và đặc biệt là có thể “lộ” ra những tồn tại gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình cổ phần hóa. Chính vì vậy, quá trình cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp bị kéo chậm lại.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam nhận định, độ lớn của cổ phần hóa chưa như mong muốn, thoái vốn mới chỉ bán được từ 20%-30% trong tại doanh nghiệp.

Trong khi đó nhiều nhà đầu tư hi vọng phần vốn nhà nước được bán ra nhiều hơn để mua, để họ có thể tham gia với tư cách là nhà điều hành, quản trị thật sự.

Ông Hải cũng cho rằng, để thúc quá trình cổ phần hóa cần có biện pháp mạnh là truất quyền quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm cổ phần.

Trong giai đoạn 2016-2020, quá trình cổ phần hóa DNNN tiếp tục được chỉ đạo triển khai quyết liệt, đối tượng cổ phần hóa tiếp tục được mở rộng tới các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước lớn đòi hỏi phải có các cơ chế liên quan hướng dẫn phù hợp nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức định giá sát với giá thị trường, tiếp tục bán cổ phần công khai, minh bạch, hạn chế thất thoát vốn và tài sản Nhà nước.

Đại diện cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, hướng đi trong thời gian tới là tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án cổ phần hóa các doanh nghiệp đã được phê duyệt; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo hoàn thành theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện hoặc không thực hiện có hiệu quả công tác cổ phần hóa doanh nghiệp.

T.Hằng