Phó Thủ tướng: Tăng trưởng nhanh nhưng phải ổn định
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách của Việt Nam đang ưu tiên cho các ngành nghề, các lĩnh vực kinh tế phát triển nhanh, mạnh mẽ, tuy nhiên Chính phủ sẽ xem xét các yếu tố tác động môi trường, an ninh năng lượng… trong thu hút dự án đầu tư để đảm bảo kinh tế phát triển ổn định, bền vững.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ về các mục tiêu của kinh tế Việt Nam với các nhà đầu tư tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).
Ngày 3/11, tại TP HCM, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Nhà kinh tế Anh (The Economist) tổ chức Hội nghị Kinh tế Đối ngoại Việt Nam 2016, với sự tham dự của gần 200 các chuyên gia hoạch định chính sách, các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị.
Môi trường đầu tư có nhiều cải thiện
Tại Hội nghị, các nhà đầu tư bày tỏ vui mừng khi môi trường đầu tư tại Việt Nam có nhiều cải thiện trong vài năm gần đây, trong đó chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy nhiều cải thiện về chính sách, nhất là tính minh bạch, công khai trong các chi phí, thủ tục hành chính,…
Cho đến nay, Việt Nam đã vào nhóm các quốc gia đang phát triển có nền kinh tế thị trường với thu nhập trung bình. Tăng trưởng về quy mô GDP hàng năm liên tục tăng, trong đó năm 2015 đã đạt trên 200 tỷ USD, cùng mức thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.100 USD (nếu tính theo sức mua tương đương PPP đạt 5.600 USD).
Đây chính là yếu tố để Việt Nam trở thành “điểm đến” của các dòng đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh lý giải, sự tăng trưởng của Việt Nam trong những năm gần đây là kết quả của việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách kịp thời, phù hợp, đúng với thời điểm; nhân công đồi dào; công nghiệp hóa đạt được các thành tựu bước đầu.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Việt Nam hiện đang tiến hành đổi mới, trong đó quá trình cổ phần hóa đạt được các kết quả khả quan.
Cho đến nay, Việt Nam đang cổ phần hóa và đổi mới các DN theo hướng hiệu quả, mặc dù vẫn còn nhiều DN còn khó khăn, nhưng quyết tâm của Chính phủ là đẩy nhanh cổ phần hóa trong thời gian tới.
“Chúng tôi cũng đánh giá là hiệu quả về thu hút đầu tư nước ngoài ở cấp địa phương còn chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, Chính phủ Việt Nam chủ trương tạo điều kiện bình đẳng trong đầu tư, đảm bảo môi trường sinh thái, ưu tiên đầu tư vào Việt Nam những ngành có lợi thế, tăng cường khuyến khích các vùng, các tỉnh liên kết với nhau. Trong đó, sự liên kết giữa các tỉnh, các vùng phải đảm bảo tính hiệu quả”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Đại diện lãnh đạo Chính phủ cũng nhắc đến các yếu tố trước đây Việt Nam tự hào nhờ nhân công rẻ, nguồn lao động dồi dào, nhiều vốn chi cho phát triển, nhưng giờ đây chủ trương có thay đổi.
Đó là việc Chính phủ chú trọng hơn các chính sách cho tăng nưăng suất lao động, sử dụng chất xám trong lao động sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ kết hợp cả chiều rộng và chiều sâu.
“Chẳng hạn như trong nông nghiệp chất lượng cao, chúng tôi chú trọng về chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm. Nhưng chúng tôi cũng thấy là số đông lực lượng lao động trong nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ lệ cao (70%) và tham vọng của chúng tôi là trong thời gian tới sẽ giảm xuống còn 40%. Trong đó, Chính phủ sẽ chú trọng cho chính sách về nâng cao trình độ lao động giản đơn đến lao động có tay nghề cao”.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, một trong những lĩnh vực mà Việt Nam sẽ thực hiện cải cách mạnh mẽ để tạo tiềm năng mềm cho quốc gia tới đây chính là đổi mới toàn diện, triệt để giáo dục và đào tạo.
Quá trình này giúp Việt Nam cải thiện đáng kể chất lượng nguồn nhân lực, bởi vì trên thế giới đã và đang chuyển sang giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi mọi nền kinh tế phải có lực lượng lao động có tay nghề cao, mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.
“Như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng tôi sẽ xây dựng một Chính phủ kiến tạo, tức là đưa ra những chính sách để người dân, DN phát huy hết khả năng, tạo môi trường thuận lợi mọi thành phần tham gia vào phát triển kinh tế. Chính phủ kiến tạo để tạo môi trường tốt nhất cho cộng đồng DN. Chính phủ kiến tạo để cho cộng đồng DN và người dân thấy được sự minh bạch, rõ ràng, cụ thể hơn trong các chủ trương, chính sách của mình”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.
Mặc dù vậy, đại diện Chính phủ Việt Nam cũng chia sẻ với các nhà đầu tư về thực tế nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều thế mạnh là lợi thế so sánh của Việt Nam chưa được phát huy tốt.
Các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư quốc tế
kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ đạt được tăng trưởng đáng kể trong năm nay. (Ảnh: Hồng Phúc).
Việt Nam rất quan tâm đến TPP
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói với các nhà đầu tư về mối quan tâm của Việt Nam tới tiến trình ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hoạt động để phố biến TPP đến cộng đồng DN và người dân - Những đối tượng sẽ chịu tác động trực tiếp một khi TPP có hiệu lực. Bước đầu, Việt Nam đã chủ động thực hiện các cam kết về thương mại tự do; miễn visa đối với 11 quốc gia, trong đó có 5 quốc gia từ châu Âu.
“Việt Nam tham gia vào TPP là một quyết định với mong muốn thức đẩy thương mại giữa Việt Nam với các nước trong TPP, Việt Nam mong muốn các nước có vai trò trong TPP phê chuẩn để tạo lợi ích chung cho các nước, chứ không riêng Việt Nam. Nếu không được phê chuẩn hiệp định này thì sự thiệt hại không chỉ Việt Nam mà còn cả các nước, vì đã bỏ nhiều công sức để xây dựng hiệp định này”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ.
Ông Jon Fasman, Trưởng Văn phòng khu vực Đông Nam Á của The Economist nhìn nhận, việc Việt Nam thực hiện nhiều cam kết thương mại tự do cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong hội nhập.
Chuyên gia này đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tích cực dù sức tăng trưởng chung tại các thị trường mới nổi đang có xu hướng chững lại. Economist Intelligence Unit (EIU) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam năm nay sẽ vào khoảng 6% và có thể còn tăng cao hơn nữa trong năm 2017.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương Stepen Groff cho rằng, lĩnh vực sản xuất chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của Việt Nam, đây sẽ là tiền đề để các tập đoàn đa quốc gia mở rộng phát triển tại Việt Nam và dịch chuyển từ các trung tâm khác trong khu vực.
Ông Stepen Groff cũng đánh giá TPP là một điểm sáng khác, trong đó Việt Nam là một thành viên được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi lớn.
Tuy nhiên, ông Santitarn Sthirathai, Lãnh đạo nhóm nghiên cứu kinh tế các nước châu Á thuộc Ngân hàng Credit Suisse thì khuyến nghị Việt Nam nên quan tâm đến những vấn đề hậu TPP, bởi vì khả năng ký kết hiệp định này là rất cao.
Trong đó, làm thế nào để Việt Nam có vị trí tốt nhất để đón đầu dòng đầu tư mới vào các thị trường mới nổi; Những lĩnh vực nào có thể khai thác tốt nhất lợi ích từ TPP; Việt Nam chuẩn bị gì để tận dụng TPP trong chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế?;… là những vấn để được chuyên gia đến từ Thái Lan khuyến nghị.