Phát huy nguồn nhân lực phải là ưu tiên số một
Ngày 3/11, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIV, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân - ĐBQH tỉnh Trà Vinh bày tỏ quan điểm đồng tình với báo cáo của Chính phủ về đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời nhấn mạnh đến một số vấn đề quan trọng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế. Trong đó, việc phát huy nguồn vốn nhân lực phải được xem là ưu tiên số một.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân - ĐBQH tỉnh Trà Vinh
phát biểu tại Quốc hội ngày 3/11. (Ảnh: Hoàng Anh).
Phải thay đổi tư duy
Đồng tình với các quan điểm, giải pháp của Chính phủ, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: Tái cơ cấu bắt đầu từ đâu? Và theo ông, tái cơ cấu là sự thay đổi cơ cấu của một hệ thống, của một tổ chức như là các doanh nghiệp, các cơ quan, các ngành, các địa phương; là sự thay đổi quy mô và tính chất đầu vào và đầu ra của tổ chức. Ví như một doanh nghiệp có thể thay đổi số lượng, chức năng các phân xưởng, phòng ban; thay đổi đầu ra là sản phẩm của DN; thay đổi cơ cấu đầu vào như cơ cấu vốn, nhân lực...
“Thực tế đã chỉ ra rằng có rất nhiều doanh nghiệp đã tái cơ cấu bằng trả lời câu hỏi là tiền đâu, họ có được tiền nhưng sau đó phá sản. Ví dụ, dự án gang thép Thái Nguyên không hề thiếu vốn. Vốn ban đầu là 3.600 tỷ đồng; sau đó nâng lên là 8.000 tỷ đồng nhưng vẫn không hoạt động hiệu quả. Vấn đề ở đây là gì? Là phải thay đổi tư duy. Tái cơ cấu - vấn đề không phải bắt nguồn từ việc tiền ở đâu? Mà câu hỏi phải là thị trường ở đâu? Sản phẩm ở đâu? Từ đó mới đến: Người ở đâu? Tiền ở đâu và đất ở đâu?” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Chỉ ra tái cơ cấu doanh nghiệp khác việc tái cơ cấu một ngành như thế nào, người đứng đầu Mặt trận cho rằng, tái cơ cấu doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi phát mệnh lệnh thì mọi cấp dưới phải thực hiện và chủ doanh nghiệp vì lợi ích của mình sẽ quan tâm đeo bám việc tái cơ cấu.
Nhưng việc tái cơ cấu ngành thì không phải như vậy. Trong dây chuyền sản xuất của ngành có 3 khâu. Thứ nhất là khâu cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp. Ví dụ công nghiệp phụ trợ có doanh nghiệp trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Khâu thứ 2 là khâu sản xuất có nhiều doanh nghiệp tham gia: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài… Khâu thứ 3 là khâu tiêu thụ sản phẩm, bán ra thị trường. Như vậy, không có ai là chủ sở hữu của dây chuyền sản xuất cả một ngành. Và vì thế không có ai có quyền ra lệnh cho cả các khâu: Khâu cung cấp đầu vào, khâu sản xuất và khâu tiêu thụ của 1 ngành kinh tế.
Vì vậy, để tái cơ cấu một ngành cần sự phối hợp của các doanh nghiệp ở cả 3 khâu: Cung ứng đầu vào, sản xuất sản phẩm của ngành và tiêu thụ sản phẩm của ngành.
Nhìn lại quá trình tái cơ cấu các ngành vừa qua, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta thiếu sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và Nhà nước tức là cần hợp tác công - tư trong tái cơ cấu ngành. Các doanh nghiệp cùng Nhà nước cần bàn xem thị trường đang cần gì? nên tập trung cho sản phẩm nào của ngành? các doanh nghiệp làm được gì, Nhà nước cần hỗ trợ gì? Từ đó mới tiến hành tái cơ cấu ngành một cách hiệu quả.
Để tái cơ cấu ngành, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần hợp tác công - tư không chỉ về vốn mà trước hết để xác định sản phẩm chủ yếu của ngành, để phát triển nhân lực của ngành và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm của ngành.
Ví dụ, chúng ta xuất khẩu gạo 20 năm, đến nay thực tế là, trừ một doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu gạo là Công ty cổ phẩn bảo vệ thực vật An Giang với thương hiệu gạo Hạt Ngọc Trời được quốc tế công nhận thì còn lại không có thương hiệu gạo xuất khẩu của Việt Nam.
“Vì sao như vậy? Vì Nhà nước không phải là chủ sở hữu của các vùng sản xuất gạo nên sự quan tâm chưa đúng mức dù đã có 5 năm chương trình xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Các hộ nông dân nhỏ lẻ thì không thể xây dựng thương hiệu được. Như vậy bản thân việc xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu cũng cần sự hợp tác công - tư” - người đứng đầu Mặt trận khẳng định.
Cần chính sách tạo động lực cho kinh tế vùng phát triển
Từ vấn đề xây dựng thương hiệu, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: Vì sao các vùng kinh tế phối hợp kém hiệu quả.
Bởi vì mỗi tỉnh do một Tỉnh ủy và UBND tỉnh lãnh đạo. Kết quả kinh tế xã hội của tỉnh đó một mình tỉnh đó hưởng. Vì vậy, xu hướng là mạnh ai nấy làm. Như vậy để triển khai phối hợp kinh tế vùng phải có ba đại diện, phải hợp tác ba bên.
Đó là, 2 sự hợp tác công và 1 hợp tác tư. 2 hợp tác công là chính quyền địa phương và chính quyền trung ương. Một hợp tác tư đó là hiệp hội doanh nghiệp của ngành hàng. Ba bên trao đổi với nhau để một là thuyết phục nhau về lợi ích của hợp tác vùng, hai là tin tưởng phối hợp đầu tư của các bên và ba là chia sẻ lợi ích của phối hợp trong vùng kinh tế.
Liên quan đến kinh tế vùng, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện nay 5 thành phố bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai chiếm có 5,5% diện tích cả nước; 27% dân số và 24% lao động nhưng 7 địa phương này tạo ra 53% GDP cả nước; 71% thu ngân sách và 50% xuất khẩu của cả nước. Năng suất lao động bình quân của 7 địa phương này bằng 3,3 lần năng suất lao động bình quân của các tỉnh còn lại.
“GDP/km2 bình quân của các tỉnh, thành này bằng 19 lần GDP/km2 bình quân của các tỉnh còn lại. Tức là nếu mỗi km2 của các tỉnh, thành này tạo ra GDP trong 5-6 năm thì bằng các địa phương khác tạo ra trong 100 năm. Thu ngân sách/km2 bình quân của 7 tỉnh, thành này bằng 42 lần thu ngân sách/km2 bình quân của các tỉnh còn lại. Tức là thu ngân sách trong vòng 2-3 năm/km2 thì bằng các tỉnh còn lại thu trong 100 năm. Như vậy đòi hỏi cần có một chính sách phù hợp để các tỉnh, thành phố này là trung tâm động lực phát triển của đất nước càng phát triển nhanh hơn và bền vững hơn, từ đó đóng góp ngân sách ngày càng nhiều hơn. Và đặc biệt quản lý các thành phố, tỉnh này phải là quản lý đô thị, không phải quản lý nông thôn” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Phát huy tối đa nguồn vốn nhân lực
Vốn là một vấn đề rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, trong điều kiện nợ công còn cao thì cần phát huy vốn trong dân, phát huy vốn đầu tư nước ngoài và đặc biệt lượng kiều hối là một nguồn vốn rất đáng quan tâm.
Vấn đề đặt ra là thu hút đầu tư nước ngoài như thế nào cho hiệu quả? Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay có 116 nước đang đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta không cần xúc tiến tại 116 nước mà chỉ cần tập trung thu hút vốn của 10 nước đang đầu tư lớn nhất (chiếm 78% tổng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam) và 12 nước có quy mô nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng đầu tư rất ít vào Việt Nam (chỉ chiếm 6,1% tổng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam).
Vấn đề thứ ba được người đứng đầu Mặt trận lưu ý là vấn đề nguồn nhân lực. Năm 1996, chúng ta có 35 triệu lao động, năm 2016 có 54 triệu lao động, tức là 20 năm số lao động tăng 19 triệu người.
“Đây là một tài sản rất quý giá và dự kiến đến năm 2035 chúng ta có 68 triệu lao động” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ và nhấn mạnh “đây là lợi thế vô cùng quan trọng”.
Vì tất cả các nước phát triển đều đang trong quá trình giảm lao động và thiếu lao động do tỉ lệ sinh giảm. Để lao động của một đất nước ổn định thì mỗi phụ nữ trong đời người phải sinh bình quân hai con. Nhưng ở các nước như Hàn Quốc tỉ lệ sinh là 1,25 trẻ/ một phụ nữ; Singapore là 1,26; Nhật Bản là 1,4...
Như vậy Việt Nam có lợi thế lao động trong 30 năm nữa. Lao động Việt Nam cần cù sáng tạo và trình độ ngày càng nâng cao, đặc biệt là chi phí lao động chúng ta thấp so với các nước. Vì chi phí lao động luôn tỉ lệ với GDP đầu người của một quốc gia. Trong 30 năm tới, chừng nào, GDP/người của Việt Nam còn dưới 25.000 USD/năm thì chúng ta còn có lợi thế chi phí lao động thấp.
Về năng suất lao động, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng làm rõ, cần phân biệt năng suất lao động kỹ thuật và năng suất lao động kinh tế (giá trị gia tăng mà một lao động tạo ra cho doanh nghiệp bao gồm thu nhập của doanh nghiệp, thu nhập của người lao động và thuế đóng cho nhà nước). Ở những lĩnh vực sản xuất như dệt may, điện tử, nếu thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp ở Việt Nam được đầu tư như ở nước nước ngoài thì năng suất lao động kỹ thuật của người Việt Nam không hề thua kém nước ngoài. Trong nông nghiệp, năng suất trồng lúa, điều, nuôi cá tôm của Việt Nam đều thuộc vào loại cao nhất thế giới. Nhưng thu nhập của công nhân dệt may Việt Nam, của nông dân Việt Nam lại rất thấp. Vì sao lại như vậy? Đối với lao động công nghiệp thì mức trả lương ở Việt Nam (thu nhập của người lao động) thấp hơn ở nước ngoài hàng chục lần do đó phần giá trị gia tăng còn lại do người lao động tạo ra thuộc về chủ doanh nghiệp. Còn trong nông nghiệp thì thu nhập của nông dân thấp do bị ép giá khi tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, năng suất lao động kỹ thuật của công nhân Việt Nam hoàn toàn tương đương với các nước khác nếu được đầu tư trang thiết bị như nhau.
Từ những yếu tố trên, trong thời gian tới, người đứng đầu Mặt trận cho rằng, cần coi trọng tối đa việc phát huy vốn lớn nhất của chúng ta là con người, làm sao hầu hết lao động Việt Nam có việc làm trong các doanh nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài.
“Sử dụng vốn con người, phát huy vốn con người phải là ưu tiên số 1 trong quá trình tái cơ cấu kinh tế” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Tập trung xuất khẩu vào một số nước trọng điểm
Bài toán tái cơ cấu kinh tế đang đặt ra những câu hỏi vô cùng cấp bách mà theo người đứng đầu Mặt trận, câu hỏi không phải tiền đâu mà là thị trường ở đâu? thế giới đang làm gì? cần chọn sản phẩm gì cho doanh nghiệp, cho ngành và cho đất nước?
Câu hỏi thứ hai là người ở đâu thì cái này chúng ta đang có và cố gắng nâng cao chất lượng hơn.
Câu hỏi thứ ba là có biết cần công nghệ nào và làm chủ khoa học công nghệ được không? Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, tuy có hạn chế nhưng người Việt Nam trước thách thức nào cũng vươn lên làm chủ được.
Câu hỏi thứ tư vốn ở đâu và câu hỏi thứ năm đất ở đâu sẽ được giải quyết khi 3 câu hỏi trên đã có lời giải.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, những đất nước có GDP lớn thì sức mua rất lớn, đó là tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang xuất khẩu sang 80 nước. Vậy để tăng cường xuất khẩu có nên tập trung vào 80 nước này hay không? Điều đó là không cần thiết, chỉ tập trung vào 11 nước và 9 nước thôi. 11 nước là: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc… thì riêng họ đã nhập 69% tổng xuất khẩu của chúng ta, còn 9 nền kinh tế trong 16 nền kinh tế lớn nhất thế giới thì họ nhập rất ít, chỉ chiếm 12% tổng xuất khẩu của Việt Nam.
Vì vậy nếu tập trung xúc tiến vào 20 nước này thì chúng ta sẽ đảm bảo được 85% tổng xuất khẩu của cả nước và còn tăng hơn nữa. Đến nay, chúng ta cũng chưa có chiến lược xuất khẩu vào từng thị trường quốc gia. Đây cũng là vấn đề mà theo người đứng đầu Mặt trận rất cần quan tâm.
“Tái cơ cấu kinh tế trong cơ chế thị trường thì phải xuất phát từ thị trường và trước hết là thị trường hàng hóa, từ đó tái cơ cấu sản phẩm của nền kinh tế, của ngành, của địa phương, của từng doanh nghiệp. Cần phát huy vốn con người là nguồn lực quan trọng nhất mà chúng ta có trong 30 năm sắp tới và sẽ còn phát triển trong khi các nước phát triển nguồn lực này đang teo lại. Để tái cơ cấu ngành cần có hợp tác công - tư trong tái cơ cấu. Và cuối cùng cần thiết kế lại hệ thống hành chính 4 cấp và làm rõ chức năng mỗi cấp trong quá trình tái cơ cấu kinh tế”. - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân |