Hợp tác giáo dục với các nước châu Âu: Cơ hội nâng chất lượng nguồn nhân lực

Hàn Minh 04/11/2016 11:35

Ngày 3/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ sở nước ngoài tổ chức Diễn đàn Giáo dục đại học Việt Nam - châu Âu. Đây là cơ hội để các trường đại học Việt Nam thúc đẩy hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các trường đại học khu vực châu Âu.

Sinh viên tìm hiểu về những cơ hội du học. (Ảnh: Vũ Đông).

Cơ hội thúc đẩy hợp tác

Diễn đàn Giáo dục đại học Việt Nam - châu Âu là sự thể hiện cam kết thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực châu Âu với những nền giáo dục đại học (ĐH) hàng đầu thế giới, tạo sân chơi cho các trường ĐH Việt Nam và châu Âu xây dựng và phát triển chương trình hợp tác, đóng góp chung vào việc tăng cường hội nhập quốc tế của giáo dục ĐH Việt Nam.

Đồng thời kêu gọi và thúc đẩy xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực giáo dục trong bối cảnh nguồn vốn vay ODA sẽ chấm dứt vào năm 2018 và các viện trợ song phương cũng như nguồn học bổng của Chính phủ các nước cấp ngày càng hạn hẹp.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các nước châu Âu nhiều năm qua đã cấp học bổng cho công dân Việt Nam đi du học sau ĐH. Chính phủ Việt Nam cũng gửi nghiên cứu sinh Việt Nam sang học bằng nguồn học bổng của Chính phủ Việt Nam như các đề án 322, 911 và 599.
Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Âu còn khiêm tốn so với tiềm năng của cả 2 bên, các trường ĐH Việt Nam, sinh viên Việt Nam chưa có nhiều thông tin về hệ thống các trường ĐH của các nước châu Âu. Nhiều trường ĐH danh tiếng, xếp thứ hạng rất cao ở các nước châu Âu mà sinh viên của rất nhiều nước trên thế giới mong muốn được đến học tập, nghiên cứu, trong đó có sinh viên Việt Nam.

Thứ trưởng Ga nhận định, Diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam - châu Âu là sự cố gắng của Bộ GD&ĐT nhằm tạo cơ hội cho các trường, các nhà quản lý giáo dục, giảng viên và nhà khoa học kết nối với nhau, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; thăm dò các cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương để phát triển các chương trình liên kết đào tạo, các dự hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên và nghiên cứu viên, trao đổi học bổng và tiến tới ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Tom Corrie- Phó trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: “Hiện các nước EU đang hỗ trợ 18 dự án nghiên cứu tại Việt Nam. Đây là sự hợp tác giữa các nước của EU với các trường ĐH hàng đầu của Việt Nam bao gồm nhiều lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp... Đồng thời, các nước EU cũng đang hỗ trợ các nước ASEAN khác trong việc tăng cường quản trị giáo dục ĐH. Chúng tôi hy vọng diễn đàn này sẽ là nơi trao đổi, chia sẻ các thông tin và mong đợi sẽ tổ chức nhiều hơn”.

TS. Harald Mikkelsen - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Đan Mạch, rất mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với các trường ĐH Việt Nam.

“Việt Nam hiện nay có nền kinh tế phát triển và là đối tác quan trọng để chúng tôi hợp tác. Tuần trước một trường ĐH tại TP.HCM và một trường Đan Mạch đã ký kết hợp tác. Chúng tôi hy vọng giao thương kinh tế giữa hai nước phát triển thì giáo dục cũng cần hợp tác để tạo nguồn phát triển nguồn nhân lực tương lai”- TS. Harald Mikkelsen bày tỏ.

Việt Nam cần nâng cao chất lượng đào tạo

Ngày 4/11, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ có 22 tổ chức giáo dục quốc tế tham gia Triển lãm giáo dục đại học châu Âu. Tại triển lãm một số chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài sẽ đem lại nhiều thông tin và cơ hội du học giá trị cho các bậc phụ huynh và học sinh, sinh viên đại học cũng như cơ hội hợp tác giữa các đại học Việt Nam và châu Âu.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, Việt Nam là đất nước hấp dẫn các trường ĐH tới đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học là điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, khi cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam nhưng qua phỏng vấn thấy năng lực tiếng Anh của các em rất hạn chế.

Do đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên để có nhiều cơ hội nhận học bổng. Theo đó, Việt Nam cần đào tạo năng lực tiếng Anh cho học sinh trước khi bước vào trường ĐH bởi tiếng Anh quan trọng khi tham gia học tập ở môi trường đại học.

Về vấn đề này, ông Bùi Anh Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hiện nay, số lượng các trường ĐH của Việt Nam đang phát triển, đã 14 trường thực hiện thí điểm điểm tự chủ trong đó tự chủ về mặt học thuật, đào tạo, tài chính… Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH Việt Nam đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng và cải tiến chương trình giáo dục ĐH có sự hỗ trợ của nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ngoài ra, hiện Việt Nam cũng đã có 4 trung tâm kiểm định chất lượng và có 66 chương trình đang được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, giáo dục ĐH của Việt Nam cũng còn một số hạn chế. Đó là cơ chế chính sách cho giáo dục chậm được triển khai; không có hệ thống quản lý đồng nhất; việc đào tào chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội; cải cách chương trình giáo dục ĐH còn chậm. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên còn thiếu, lương bổng còn thấp nên chưa thu được giáo viên có chất lượng.

Hàn Minh