Ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh: Lấp lỗ hổng quản lý
Luật Cạnh tranh đã đi vào thực tiễn được 10 năm, song vẫn tồn tại những hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Cần phải có những sửa đổi để Luật hoàn thiện hơn, bên cạnh đó, đội ngũ thực thi Luật cũng phải chuyên nghiệp hơn mới mong tạo được môi trường kinh doanh thực sự lành mạnh- đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Đánh giá tình hình thực thi Luật Cạnh tranh và định hướng hoàn thiện”, do Bộ Công thương tổ chức sáng 4/11.
Luật Cạnh tranh phải tạo một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.
Nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Đánh giá về việc thực thi Luật Cạnh tranh trong 10 năm (từ 1/7/2005), ông Phùng Văn Thành- Phó Trưởng phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) cho hay, Luật đã giúp nhà quản lý điều tiết được một môi trường kinh doanh ổn định, tạo sự bình đẳng giữa các DN, giúp cho các DN hoạt động trong khuôn khổ pháp lý và tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Thành cũng thừa nhận, trong quá trình thực thi Luật vẫn còn phát sinh một số vướng mắc. Trong đó, về năng lực cơ quan thực thi vẫn còn hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Đối với cộng đồng xã hội và các cơ quan liên quan vẫn còn tâm lí ngại khiếu nại va chạm, thiếu tinh thần hợp tác, cung cấp thông tin, chứng cứ. Đặc biệt, đáng quan ngại, sự xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN khiến cho môi trường kinh doanh đang trở nên méo mó.
Đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay, PGS.TS Phạm Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Bộ Công thương cho rằng, trên thực tế, những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng độc quyền. Trên thị trường, vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng tràn lan.
Đó còn chưa kể đến hành vi quảng cáo không trung thực xuất hiện một cách trắng trợn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, sự cấu kết giữa DN làm ăn bất chính với một bộ phận truyền thông làm sân sau và một số cán bộ quản lý Nhà nước biến chất ngày càng được giàn dựng một cách bài bản, tinh vi…
Tình hình trên phản ánh môi trường cạnh tranh trên thị trường nội địa đang có nhiều biểu hiện mỗi ngày một tồi tệ hơn. Và nguyên nhân một phần chính là ở hệ thống pháp luật về cạnh tranh còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết.
Phân tích một cách cụ thể, ông Thắng cho hay, nhiệm vụ của hệ thống pháp luật về cạnh tranh phải đặt toàn bộ cộng đồng DN trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử và phát huy tối đa quan hệ thị trường để có được sàng lọc tự nhiên, đào thải các DN yếu kém. Đáng tiếc rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta lại bộc lộ những điểm yếu khiến cho môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay chưa đạt được những mục tiêu này.
Theo vị chuyên gia này, một hệ thống pháp luật cạnh tranh đúng đắn phải phát huy được tính sáng tạo của doanh nhân, tạo điều kiện thích hợp để doanh nhân tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của họ trên thương trường, nhạy bén nắm bắt được cơ hội kinh doanh và đưa ra những quyết định tinh tế có thể chớp được thời cơ đó.
Như vậy, một Luật Cạnh tranh đúng phải hướng về con người, cởi trói cho thương nhân và kích thích sự sáng tạo trong mỗi thương nhân. Mặt khác, Luật Cạnh tranh phải trừng trị kịp thời những ý đồ và thủ đoạn, hành động bẩn thỉu của một số thương nhân bất chính.
“Tiếc rằng, Luật của ta chưa chú ý một cách thích đáng đối với việc này”- ông Thắng nhận định. Đặc biệt, theo ông, việc có đến 2 cơ quan chức năng cùng xử lý các vụ việc liên quan đến cạnh tranh đã khiến cho tình hình phức tạp hơn.
Gỡ chồng chéo
Trước những bất cập đã bộc lộ rõ nét từ những lỗ hổng của Luật Cạnh tranh, các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, đã đến lúc cần điều chỉnh, phân công lại chức năng của các cơ quan quản lý việc cạnh tranh cho phù hợp với thời cuộc.
Vẫn theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Cục Quản lý cạnh tranh với số lượng nhân lực còn hạn chế, chưa được đào tạo sâu và bài bản về kiến thức quản lý cạnh tranh, trong khi đó lại được giao quá nhiều chức năng như: điều tra, bảo vệ người tiêu dùng, chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ… Cơ quan này phải đảm đương các hoạt động liên quan đến tố tụng, trong khi đó thẩm quyền xử lý vụ việc lại thuộc Hội đồng cạnh tranh đảm nhiệm. Điều này là bất hợp lý.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Hữu Huỳnh- Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cũng cho rằng, nhiều quy định, điều kiện kinh doanh hiện nay đang làm giảm sức cạnh tranh của DN, nguyên nhân một phần do năng lực của Hội đồng cạnh tranh- 1 trong 2 cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh bị hạn chế.
“Cần phải có một Hội đồng Cạnh tranh chuyên nghiệp thay vì việc giao quá nhiều việc cho một số người không chuyên như hiện nay. Tại sao không đưa các luật sư, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực cạnh tranh vào Hội đồng này, mà vẫn để nhiều người “kiêm nhiệm”. Những người không chuyên sâu mà lại ngồi để sửa Luật Cạnh tranh thì rủi ro vô cùng lớn”- Luật sư Trần Hữu Huỳnh này tỏ quan ngại, đồng thời kiến nghị cần thiết phải sáp nhập Hội đồng cạnh tranh và cơ quan xử lý cạnh tranh thành một cơ quan thống nhất để việc thực thi được đồng bộ hơn, chuyên nghiệp hơn, tránh những rủi ro không đáng có cho DN cũng như cho môi trường kinh doanh.