Không gian xanh trong lòng Thủ đô
Một nghiên cứu của các sinh viên ngành Qui hoạch vùng và đô thị (ĐH Xây dựng) vừa được tổ chức mang chủ đề “Công viên Thống Nhất - Sự phản chiếu 2016” đã khơi gợi nhiều ý tưởng để góp phần làm đẹp không gian công cộng tại Hà Nội.
Không gian công viên Thống Nhất - HN.
Bắt đầu từ ký ức
Giảng viên Thanh Tú- người đồng hành cùng với các sinh viên năm thứ 4 thực hiện nghiên cứu nói trên chia sẻ: Xuất phát từ sự quan tâm của 2 chuyên gia là kiến trúc sư (KTS) cảnh quan người Thụy Điển, xưởng nghiên cứu đặc biệt về “Công viên Thống Nhất- Sự phản chiếu 2016” của thầy và trò Trường ĐH Xây dựng đã được hình thành.
Thực ra các chuyên gia Thụy Điển đã quan tâm tới những tác động xã hội, cũng như tính tương tác không gian công cộng của công viên Thống Nhất từ những năm 2007- 2008.
Cho dù Hà Nội đang khan hiếm những không gian sinh hoạt chung, khan hiếm không gian xanh nhưng trên thực tế lâu nay công viên Thống Nhất chưa phát huy hết công năng của một công viên công cộng. Đây là một sự lãng phí lớn so với không gian rộng hơn 40ha giữa lòng thành phố.
Theo đó, 4 nhóm sinh viên trẻ đã tiếp cận công viên Thống Nhất ở những địa điểm và thời điểm khác nhau trong ngày. Từ nhà gương, hồ Bảy mẫu, bán đảo Phong lan… Khảo sát từ nhóm nghiên cứu cho thấy, nhiều địa điểm trước đây từng là nơi tham quan lý tưởng (như nhà gương) thì lâu nay đã rất ít khách tham quan. Cùng với đó nhu cầu cần thiết hơn về mở rộng không gian vui chơi cho trẻ em trong công viên cũng đang được đặt ra.
Thông qua phương thức tiếp cận là phỏng vấn người dân các bạn trẻ đã tìm hiểu được thói quen sử dụng địa điểm công viên của từng người; ấn tượng và kỷ niệm của họ khi đến nơi này.
Trong tâm thức của mọi người, ai cũng mong muốn có một không gian sống, không gian sinh hoạt chung tốt đẹp hơn; ai cũng rất nhớ những ký ức tuổi thơ của mình và bày tỏ mong muốn có một không gian xanh đúng nghĩa trong lòng thành phố, chứ không phải càng ngày nó càng bị thu hẹp dần; họ không mong muốn nó bị chuyển đổi sang những công năng khác.
Từ những tiếp cận thực tế, những ý tưởng qui hoạch và kiến trúc lại không gian công cộng trong lòng công viên Thống Nhất cũng được đưa ra. Đơn cử như việc bài trí lại không gian dành cho tuổi trẻ sao cho thật lãng mạn; sự gắn kết không gian sinh hoạt của trẻ em và người già; tổ chức hợp lý khu vui chơi dành cho thanh thiếu niên… Ở đó có sự kết nối giữa ký ức và hiện tại.
Theo KTS Trần Huy Ánh mong muốn của các bạn trẻ là khơi gợi lại ký ức của những người sử dụng không gian công cộng, để khi nghĩ về nó là nghĩ về những điều đẹp đẽ. Đó cũng chính là một cách cứu không gian sống đầy ý nghĩa.
Góp tiếng nói qui hoạch đô thị
Nhưng Hà Nội không chỉ có công viên Thống Nhất, còn có rất nhiều công viên đã tồn tại trong lòng đô thị từ lâu, cùng với đó là không ít những công viên mới được xây dựng.
Sở dĩ nhóm nghiên cứu chọn công viên Thống Nhất cũng bởi từ ấn tượng ban đầu về một công viên vắng vẻ và đơn điệu, các KTS cảnh quan người Thụy Điển đã phát hiện ra rằng công viên Thống Nhất thực sự là một không gian sống động vào một số thời điểm trong ngày, với nhiều biểu hiện của sự “tranh chấp” và “thương lượng” sử dụng không gian.
Nếu quan tâm hơn nữa đến lợi ích của cộng đồng, phối hợp giữa nhiều bên cùng hướng tới mục tiêu đóng góp cho sự phát triển bền vững của công viên Thống Nhất nói riêng và của hệ thống không gian xanh – công cộng nói chung thì không gian sống của thành phố Hà Nội sẽ đẹp đẽ hơn.
KTS Trần Huy Ánh kỳ vọng rằng những nhà quản lý và qui hoạch sẽ quan tâm và lắng nghe kết quả nghiên cứu từ mô hình công viên Thống Nhất của các sinh viên, tin rằng đó là những điều có thật. Đây là nỗ lực của thầy và trò chuyên ngành Qui hoạch vùng và đô thị trường ĐH Xây dựng.
Từ những nghiên cứu ở góc độ chuyên môn tác động đến con người, đến thói quen, cuộc sống cho đến nghiên cứu về tâm tư tình cảm của mỗi người khi đến tận hưởng (sử dụng) không gian xanh ấy, góp thêm tiếng nói làm cho không gian sống tốt đẹp hơn. Hạnh phúc nho nhỏ ấy là có thật - tại sao lại không làm được?
KTS Trần Huy Ánh cho hay, nghiên cứu “Công viên Thống Nhất - Sự phản chiếu 2016” đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều các chuyên gia chuyên ngành qui hoạch kiến trúc và giới KTS Hà Nội. Qua nghiên cứu và đề xuất những ý tưởng làm đẹp thêm công viên Thống Nhất của các sinh viên trẻ, người ta sẽ hiểu hơn rằng rõ ràng rằng chúng ta có thể làm được tốt hơn thế, bắt đầu từ ý thức từ mong muốn của mỗi người và sự chung sức của cộng đồng.