Sử dụng nguồn nước hiệu quả trong lưu vực Mê Kông
“Cơ hội sử dụng nguồn nước hiệu quả trong lưu vực Mê Kông và gợi ý chính sách cho Việt Nam” là nội dung tọa đàm chính sách Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Trung tâm Simson phối hợp tổ chức vào sáng 4/11, tại Hà Nội.
Tại hội thảo, Giám đốc PanNature Trịnh Lê Nguyên cho biết, hiện nay những con đập thủy điện đầu tiên đang được xây dựng trên hạ nguồn dòng chính sông Mê Kông. Cùng lúc đó, hàng loạt dự án bơm nước, chuyển nước sông Mê Kông phục vụ nông nghiệp đã được khởi động trở lại trên lãnh thổ Campuchia và Thái Lan.
“Các dự án này được triển khai trong khi còn nhiều quan ngại từ các quốc gia trong lưu vực. Với rất nhiều tác động tiềm tàng đã được cảnh báo rộng rãi, việc các quốc gia tiếp tục theo đuổi mục tiêu riêng trong sử dụng nguồn nước sông Mê Kông sẽ bỏ lỡ cơ hội để cả khu vực có thể tối đa hoá lợi ích nhằm phát triển hài hoà, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, và an ninh sinh thái vì sự thịnh vượng chung”- ông Nguyên nhận định.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các quy hoạch năng lượng chiến lược toàn lưu vực và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam cũng như các cơ chế và triển vọng hợp tác về nguồn nước trên lưu vực Mê Kông trên cơ sở những diễn biến mới trong lưu vực sông Mê Kông và khu vực.
Theo ông Nguyễn Nhân Quảng (PanNature), bên cạnh các đánh giá từ thuỷ điện, chuyển nước ra ngoài lưu vực, việc các nước thượng lưu xây dựng các dự án lấy/chuyển nước trong lưu vực Mê Kông là đáng quan ngại cho Đồng bằng sông Cửu Long. Sẽ không xuất hiện “lũ đẹp” cho đồng bằng nếu các dự án này chỉ lấy nước mùa mưa. Ngay cả trong mùa khô, có thể các hồ chưa đã hút nước sông Mê Kông bơm vào một số hồ…
“Việc cần làm hiện nay là tiếp tục thu thập thông tin qua các nguồn khác nhau để có thể phân tích các tác động, ảnh hưởng và kiến nghị với các cơ quan hữu quan có các giải pháp kịp thời. Đồng thời, đề xuất với các cơ quan chức năng và hữu quan, thông qua cơ chế hợp tác Mê Kông, yêu cầu các nước tuân thủ Hiệp định Mê Kông và các thỏa thuận, trước hết là nghiêm chỉnh thực hiện PNPCA (Quy trình Thông báo trước, Tham vấn trước, và Thỏa thuận). Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chủ động nghiên cứu chuyển đổi giống cây trồng, bố trí thời vụ, kể cả thiết lập cơ chế hợp tác mới vừa thúc đẩy hợp tác các bên cùng có lợi, vừa cùng chịu trách nhiệm trong sử dụng nước…”- ông Nguyễn Nhân Quảng đề xuất.