Quản lý nhóm trẻ độc lập tư thục: Khó kiểm soát

Thu Hương (thực hiện) 05/11/2016 11:10

Trong những năm gần đây các nhóm trẻ độc lập tư thục (ĐLTT) phát triển với số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi trong điều kiện các trường mầm non công lập không đủ điều kiện nhận lứa tuổi này. Gần đây đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở giữ trẻ gia đình, nhóm trẻ ĐLTT. PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục mầm non (GDMN), Viện KHGD Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh.

PV:Thưa bà, nhiều vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở giữ trẻ gia đình, nhóm trẻ ĐLTT thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện. Có ý kiến cho rằng là do chất lượng giáo viên chưa đảm bảo, chủ cơ sở quản lý lỏng lẻo. Quan điểm của bà về vấn đề này?

PGS. TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh: Về chủ nhóm trẻ ĐLTT, theo khảo sát của chúng tôi có nhiều người có trình độ đào tạo chuyên môn từ trung cấp sư phạm mầm non trở lên, vượt xa yêu cầu theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, đa số qua đào tạo chắp vá, liên thông từ sơ cấp lên trung cấp và cao hơn ở các hệ tại chức và từ xa.

Về số lượng giáo viên, trung bình chung 1-3GV/nhóm, chưa đáp ứng được quy định. Đa số giáo viên tuổi đời trẻ, trung bình 18-30 tuổi, kinh nghiệm công tác từ 1-5 năm – nghĩa là có cô chưa lập gia đình, chưa có con nên ít kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ.

Ngoài ra, mức chi trả cho giáo viên, nhân viên là 3 triệu đồng/tháng và đây là toàn bộ thu nhập/tháng của GVMN, khá thấp sơ với báo cáo điều tra lao động việc làm do Bộ Kế hoạch- Đầu tư cung cấp năm 2015 là 5,7 triệu/tháng ở khu vực thành thị, 4,1 triệu ở khu vực nông thôn.

Trong khi đó, công việc chăm sóc trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 36 tháng vất vả hơn các lứa tuổi lớn hơn. Đa số các chủ nhóm chưa thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ thai sản theo quy định cho GV, nhân viên.

Vậy đâu là các rào cản trong cơ chế quản lý nhóm trẻ ĐLTT hiện nay và giải pháp khắc phục?

- Nghiên cứu đã chỉ ra các rào cản từ các chính sách, quy định, chế độ mang tính pháp quy về quản lý nhóm trẻ ĐLTT ở cấp trung ương và địa phương, trong đó nhiều văn bản chưa quy định rõ chức năng nhiệm vụ của lực lượng tham gia hỗ trợ quản lý các nhóm trẻ, một số quy định mang tính chất một chiều, thiếu một số chính sách để đảm bảo công bằng cho trẻ học ở các cơ sở ngoài công lập, trẻ dưới 3 tuổi…

Từ đây, chúng tôi đề xuất các nhóm biện pháp về chính sách và tổ chức hành chính, nhóm biện pháp kinh tế – công nghệ, nhóm biện pháp xã hội - con người để khắc phục theo hướng lồng ghép, chi phí thấp ở Việt Nam. Trong đó, cần tổ chức tuyên truyền, định hướng dư luận để tạo sự quan tâm hỗ trợ và tham gia tích cực vào chính sách giáo dục đối với nhóm trẻ ĐLTT, hiểu đúng vai trò và sự đóng góp của các nhóm trẻ.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Hương (thực hiện)