Nông thôn mới: Văn hóa không thể bị 'bê tông hóa'

H.Vũ - H.M. (ghi) Ảnh: Hoàng Anh 04/11/2016 20:05

Ngày 4/11, trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề xây nhà văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, văn hóa phải hiểu theo nghĩa rộng và phải tạo ra được một môi trường thuận lợi chứ không phải nhà văn hóa là hội trường, khép kín trong 4 bức tường.

ĐBQH Vũ Trọng Kim.

Bố trí “lớp lang” cho nhà văn hóa

Ông Kim nói: Tôi thấy phản cảm với vấn đề xây dựng nhà văn hóa. Thực trạng của nông thôn hiện nay là không gian sinh tồn đang ngày càng bị bó hẹp, đất đai trở thành khan hiếm. Đã chật hẹp như thế mà văn hóa lại chật hẹp hơn nữa theo kiểu đưa văn hóa vào trong một gian phòng, một ngôi nhà mấy chục m2 (giờ ở xã là mấy trăm m2), xây hết mấy tỷ đồng nhưng thực chất đó là nhà họp chứ không phải nhà văn hóa.

“Làm nhà văn hóa kiểu làm nhà họp tức là chính chúng ta đã làm nghèo đói đi văn hóa”, ĐB nói và nhấn mạnh: Văn hóa cần phải được hiểu và thực hiện theo nguyên tắc, làm sao phải bồi dưỡng và phát huy, giúp con người phát triển toàn diện. Văn hóa không có nghĩa chỉ hội họp mới đào tạo được con người mới trong nông thôn mới; không chỉ có thế.

“Nhà họp bây giờ lại còn đưa sát vào trụ sở UBND. Trụ sở UBND là nơi làm công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành chứ không phải nơi đến sinh hoạt, vui chơi nhảy múa. Vậy là giữa hai phong cách lao động khác nhau ở cùng một vị trí, không hợp về logic cũng như cách tư duy làm văn hóa”-ông Kim cho hay.

Nói về quan điểm xây dựng văn hóa trong nông thôn mới, ông Kim cho rằng, để phát triển văn hóa ở nông thôn nhằm mục đích đào tạo con người có văn hóa, nhằm nối dài một cách liên tục quá trình phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác thì văn hóa cần phải được hiểu theo nghĩa rộng và phải tạo ra một môi trường thuận lợi chứ không nên bó hẹp trong một không gia chật chội.

Bày tỏ quan điểm về “lớp lang” đối với một nhà văn hóa là phải có trong, có ngoài, ông Kim đưa ra phân tích: Ở trong là phòng họp còn ở ngoài là không gian rộng mở, phù hợp với tính cách cởi mở của người nông dân.

Không gian đó giờ có thể không dễ nhưng theo ông Kim vẫn có thể bố trí được với 3-5 ha. Nhà văn hóa cần có sân chơi, tạo ra một cảnh quan đẹp, không gian văn hóa. Nơi đó, trẻ con đến vui chơi; làm sân đá bóng; sân tennis và các sân tập khác… thậm chí có thể có bể bơi và là nơi tập thể dục cho người cao tuổi. Có như thế mới tạo ra không gian để tạo ra văn hóa.

Do đó, cần quy hoạch nhà văn hóa thành khu đa chức năng. Không chỉ là nơi sinh hoạt của bà con; mà còn là nơi các quan chức, các đại biểu của dân và người dân cùng nhau gặp gỡ, trao đổi.

Nên phát triển mô hình “công viên văn hóa” nông thôn mới

Hiến kế mô hình nhà văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, ĐB cho rằng: Cần hướng tới mô hình nhà cửa, đường xá phải xây dựng làm sao để từng bước trở thành công viên văn hóa nông thôn mới.

Giải thích, ĐB cho rằng, vì nông thôn là nơi có thể dễ dàng tạo ra một cảnh quan đẹp. “Là nơi mà ở các ngã tư, ngã ba đường có những cây cảnh. Các cụ cao tuổi có thể đem cây thế, hòn đá trưng bày như một ngôi nhà sinh vật cảnh”.

Nhấn mạnh, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một mô hình như thế trong bối cảnh chúng ta làm đường bê tông, làm kênh mương để đưa nước đến ruộng. Nhưng, trên nền bên tông ấy là cảnh quan xanh, chứ không phải nông thôn mới chỉ là bê tông hóa mọi thứ.

Chỉ ra tốc độ bê tông hóa đến từng cổng làng và cửa nhà dân khiến cho cảm giác đô thị hóa làm bức bối bức tranh văn hóa và bức tranh của tình làng nghĩa xóm, ĐB Vũ Trọng Kim đặt vấn đề: Bây giờ vẫn phải là những hàng rào râm bụt, hàng rào tre dù cho, ở giữa là hàng rào dây thép gai.

“Tại sao ta không hướng dẫn để làm việc đó? mà cứ bê tông hết để rồi cuối cùng nhìn nông thôn không giống ai cả!? Rồi một ngày nào đó nông thôn trở thành khô cứng”, ông Kim bày tỏ băn khoăn.

Kết lại, ông Kim nhấn mạnh: “Đây là mô hình trung tâm sinh hoạt cộng đồng mà Singapore đã thực hiện và rất thành công, ta nên tham khảo để thực hiện.

H.Vũ - H.M. (ghi) Ảnh: Hoàng Anh