Đầu tư mạng lưới rạp chiếu phim: Chậm còn hơn không
Câu chuyện được giới sản xuất và phát hành phim Việt Nam băn khoăn trong thời gian qua chính là hệ thống rạp chiếu. Mà như một số ý kiến đã thẳng thắn, rằng không có sự cạnh tranh lành mạnh, rằng phim Việt bị các chủ rạp ngoại o ép trên sân nhà. Và một vấn đề quan trọng cần đặt ra, đó là chúng ta cần sớm đầu tư vào mạng lưới rạp chiếu, có như vậy cái khó mới có thể được gỡ.
Khán giả ủng hộ phim Việt.
1. Mọi người hẳn còn nhớ, hồi giữa năm nay, đơn kiến nghị tập thể của 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước gồm: BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và công ty VAA đã được gửi đến Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh và các cơ quan chức năng để “kêu cứu” rằng họ đang bị hệ thống rạp CGV (Hàn Quốc) chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp.
Rồi đến chuyện nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã phải bật khóc tức tưởi vì đến ngày ra rạp bộ phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” đầu tư hơn 20 tỷ đồng không đạt thỏa thuận để chiếu ở CGV.
Theo đó, “Tấm Cám” phải rút ra khỏi hệ thống 34 rạp của CGV. Lý do là vì, trong khi nhà sản xuất đề nghị tỷ lệ ăn chia với chủ rạp theo thông lệ là 50/50 như tại các rạp khác thì CGV đòi hưởng tỷ lệ cao hơn…
Cách đây chưa lâu, sau 10 ngày chiếu, nhà sản xuất “Găng tay đỏ” rút phim khỏi các hệ thống rạp CGV vì cho rằng đơn vị phát hành xếp lịch vào những khung giờ “oái ăm” làm ảnh hưởng doanh thu.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, những bức xúc này đến nay vẫn chưa thấy được tháo gỡ triệt để. Trước đó, khi nhận được đơn khiếu nại, đại diện Cục Điện ảnh nói không có chức năng giải quyết khiếu nại. Còn Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng có công văn cho rằng việc khiếu nại cạnh tranh chưa đúng thủ tục, chưa rõ ràng và chưa có bằng chứng…
Trong khi đó, giới làm nghề “nhìn qua” đã thấy những dấu hiệu không bình thường. Nhiều người đã lên tiếng đòi tẩy chay những cụm rạp chèn ép các đơn vị sản xuất phim, phát hành VN. Tuy nhiên, trong sân chơi hội nhập, không thể đưa cảm tính vào câu chuyện đòi hỏi sự minh bạch của hợp đồng, và cao hơn, là của luật pháp.
Theo giới luật sư, Điều 11, Luật Cạnh tranh 2004 quy định, doanh nghiệp (DN) được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.
“Hiện CGV đang nắm giữ hơn 40% thị phần, là đã ở vị trí thống lĩnh của thị trường chiếu phim. Với vị trí này, điều khoản CGV đưa ra nhằm buộc nhà sản xuất phim phải chấp nhận tỷ lệ cao hơn mức ăn chia trung bình được coi là hành vi “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường nhằm hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ… gây thiệt hại cho khách hàng”, luật sư Nguyễn Quốc Toản- Công ty luật Hồng Long phân tích.
Cần thêm những rạp chiếu hiện đại để cạnh tranh với các cụm rạp do nước ngoài đầu tư.
2. Thực sự có hay không sự chèn ép các đơn vị sản xuất, phát hành phim VN? Câu hỏi đó, thiết nghĩ các cơ quan có trách nhiệm cần sớm trả lời dứt điểm, tạo sân chơi lành mạnh cho các đơn vị kinh doanh, đầu tư văn hóa.
Tuy nhiên, trong khi thị trường VN là “sân nhà”, thì công bằng mà nói, các đơn vị sản xuất và phát hành phim VN cũng đang có những lợi thế mà không một DN nước ngoài nào khi vào VN có được. Đó là sự am hiểu tâm lý khán giả (khách hàng), lợi thế về tâm lý người VN luôn muốn ủng hộ “hàng VN”…
Nhưng một vấn đề quan trọng cần phải thẳng thắn đặt ra, đó là sự đầu tư vào hệ thống các cụm rạp hiện đại. Hệ thống rạp chiếu cũ còn lại sau thời kỳ đổi mới đều đã lạc hậu, không “thuyết phục” được thế hệ công chúng hiện nay.
Trong khi, nhìn ngắm các rạp chiếu hiện đại thì lại thường ở những vị trí đắc địa, do các đơn vị nước ngoài nắm giữ. Chính vì vậy, tìm lại thế cân bằng đang là vấn đề quan trọng cần được đặt ra, và đầu tư thực hiện một cách có chiến lược.
Một thông tin rất vui, đó là vào tối 2/11 vừa qua, Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (gọi tắt là BHD), một trong những đơn vị điện ảnh tư nhân hàng đầu Việt Nam đã khánh thành cụm rạp đa năng hiện đại tại vị trí rất đắc địa là Vincom số 2 Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội.
Đây là một trung tâm thương mại mới, với nhiều tiện ích được tích hợp, hứa hẹn là điểm đến mới thu hút người dân. Cụm rạp hiện đại này với quy mô 7 phòng chiếu bao gồm phòng chiếu 2D, 3D, một phòng trang bị âm thanh Atmos, đặc biệt hơn còn có một phòng First Class với phong cách phục vụ đẳng cấp, nội thất tối ưu và chỉ có tại BHD Star Vincom Phạm Ngọc Thạch.
Ngoài ra, ghế còn có trang bị cổng USB sạc điện thoại, nút “Call Service” gọi nhân viên phục vụ tại ghế. Ngoài ra, khi khách hàng tận hưởng tiện ích của phòng First Class còn được trang bị tủ riêng phục vụ cất túi, giày, chăn, gối, dép trong rạp.
Như vậy, đây là một hệ thống cụm rạp có thể “so găng” với các DN ngoại đầu tư tại thị trường VN. Có mặt tại sự kiện này, TS Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh không giấu giếm: “Điều làm tôi xúc động nhất là tinh thần Việt Nam tràn ngập không gian này và với một tinh thần Việt khỏe mạnh, tràn đầy sức sống như ở BHD, tôi tin chắc điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ”.
3.Tất nhiên, đúng như bà Cục trưởng Ngô Phương Lan nói, với sự “vào cuộc” như của BHD là tín hiệu mang “tinh thần Việt” đáng khích lệ. Tuy nhiên, cần nhiều hơn nữa các đơn vị phát hành phim, kinh doanh điện ảnh đầu tư thì may ra mới sớm có sự cân bằng.
Bởi như chúng ta biết, mới chỉ từ năm 2011, khi Megastar chuyển nhượng hệ thống cụm rạp cho tập đoàn CJ-CGV (Hàn Quốc), tốc độ phát triển các cụm rạp của CGV ngày càng nhiều và nhanh.
Theo thông tin chúng tôi có được, cuối năm nay CGV sẽ mở thêm 3 cụm rạp mới. Sang năm 2017, kế hoạch của CGV sẽ mở thêm 10 cụm rạp nữa, nâng tổng số lên khoảng 50 cụm rạp. Bên cạnh đó, hệ thống cụm rạp của Lotte Cinema (Hàn Quốc) cũng phát triển không hề kém cạnh. Đến thời điểm này, tại VN, Lotte Cinema đã có 27 cụm rạp…
Nhìn đi nhìn lại, doanh nghiệp VN đầu tư vào hệ thống cụm rạp chiếu phim cũng chỉ có mấy cái tên như BHD, Galaxy, Mega GS. Một điểm nữa, vì ít tiền đầu tư nên đa số các cụm rạp này đều không thể “soán” được những vị trí đắc địa, hút khách, và sự “hoành tráng, bắt mắt” cũng không bằng.
Tuy nhiên, các chuyên gia điện ảnh cho rằng, về máy móc thiết bị, âm thanh, ghế ngồi và màn hình thì đều đáp ứng được yêu cầu của một rạp chiếu phim hiện đại.
Đại diện của BHD thừa nhận: “Vì không có nguồn kinh phí dồi dào, nên chúng tôi không thể mở rạp chiếu phim ào ạt. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển hệ thống rạp của BHD nói riêng cũng như của các doanh nghiệp Việt nói chung đều đã được xây dựng rất cụ thể. Chúng tôi mong muốn phát triển ngày một nhiều hơn hệ thống rạp chiều phim không chỉ ở TP HCM, Hà Nội mà còn ra một số thành phố trên các vùng miền khác của VN”.
Quả thực, đó là một nỗ lực, một khát vọng rất đáng cổ vũ. Thiết nghĩ, trong “cuộc chiến” giành giật thị trường mang màu cờ sắc áo này, cần có thêm những DN VN mạnh về tài chính vào khai thác.
Đồng thời, Nhà nước cũng cần có những xoay trở để đồng hành, cần có chính sách ưu đãi, giúp đỡ DN Việt trong đầu tư xây dựng rạp. Bởi hệ thống cụm rạp cũ đã lỗi thời, thì rất cần phải sớm tìm ra những biện pháp hợp lý, thích hợp hơn, tránh để xảy ra lãng phí, càng không nên biến các địa chỉ vang bóng một thời thành nơi tổ chức tiệc cưới.
Bởi, theo Quyết định số 199/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” có nêu rõ mục tiêu: mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khoảng từ 1 đến 2 cụm rạp chiếu phim có kỹ thuật đạt tiêu chuẩn hiện đại. Nếu chúng ta không sớm nhập cuộc, thì cơ hội sẽ rơi vào tay những DN đến từ xứ người. Và điệp khúc “mạnh được, yếu thua” sẽ còn lặp lại.