Tình người trong lũ dữ
Ngay trong và sau lũ, Mặt trận các cấp ở Quảng Bình cùng với Ban cứu trợ các cấp kêu gọi, tiếp nhận. Đặc biệt, Mặt trận Quảng Bình đã nắm rõ tình hình thiệt hại ở các địa phương để tư vấn cho các tổ chức, nhà hảo tâm đến cứu trợ; đồng thời tổ chức tiếp nhận, nhanh chóng phân bổ hàng hóa đến tận tay bà con vùng lũ.
Cứu trợ đến với bà con vùng lũ Quảng Bình.
Lũ chồng lũ đã gây thiệt hại nặng nề đối với người dân Quảng Bình. Nhằm góp phần chia sẻ khó khăn, hàng triệu tấm lòng đã hướng về miền Trung, hướng về Quảng Bình. Làm sao để hàng vạn suất quà đến tận tay người dân, đảm bảo đúng đối tượng, đủ số lượng theo yêu cầu của các tổ chức, nhà hảo tâm... đảm bảo công bằng, công tâm, kịp thời, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Minh- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Cứu trợ tỉnh Quảng Bình.
Theo ông Trần Quang Minh, Quảng Bình là địa phương thường xuyên chịu nhiều thiên tai, bão lũ. Tính từ năm 2007 đến nay, có một trùng hợp sự ngẫu nhiên, cứ “luân phiên” 3 năm một lần, Quảng Bình lại phải gánh chịu một đợt bão lũ lớn.
Cơn lũ lịch sử năm 2007, 2010, rồi đến cơn bão số 10 và hoàn lưu cơn bão số 11 năm 2013 đã gây thiêt hại nặng nề cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2016 này, ngay từ đầu năm thời tiết rét hại rét đậm đã khiến việc sản xuất, chăn nuôi của người dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự cố môi trường biển do Formosa gây ra đã để lại hậu quả nặng nề đối với người dân Quảng Bình.
Trong lúc các cấp chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và người dân đang chung tay khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển thì thiên tai lũ lụt lại ập đến, cuộc sống người dân Quảng Bình lại càng khó khăn, vất vả hơn. Trong vòng nửa tháng, tỉnh Quảng Bình đã gánh chịu 2 trận lũ lớn, làm thiệt hại rất nặng nề về người, tài sản.
Ông Trần Quang Minh.
PV: “Vết thương” của trận lũ trước chưa kịp lành da thì Quảng Bình tiếp tục hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên...Vậy MTTQ tỉnh đã tổ chức các hoạt động gì để giúp người dân, thưa ông?
Ông Trần Quang Minh: Với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), nên mỗi khi có thông tin bão lũ, Mặt trận và các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền các địa phương nhanh chóng vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm; đồng thời giúp đỡ các hộ dân chằng chống nhà cửa để tránh thiệt hại về người và của.
Bên cạnh đó, với vai trò thành viên của Ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương, cán bộ Mặt trận luôn luôn có mặt ở vùng bão lũ để sát cánh cùng với nhân dân, triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn.
Lũ đi qua tình người ở lại, nhằm hỗ trợ người dân vùng lũ sớm vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, Mặt trận các cấp ở Quảng Bình đã kêu gọi, tiếp nhận cứu trợ từ các cá nhân, tổ chức, đơn vị đến hỗ trợ đồng bào bị thiên tai do lũ lụt như thế nào?
- Ngay trong và sau lũ, Mặt trận các cấp ở Quảng Bình cùng với Ban cứu trợ các cấp kêu gọi, tiếp nhận. Đặc biệt, Mặt trận Quảng Bình đã nắm rõ tình hình thiệt hại ở các địa phương để tư vấn cho các tổ chức, nhà hảo tâm đến cứu trợ; đồng thời tổ chức tiếp nhận, nhanh chóng phân bổ hàng hóa đến tận tay bà con vùng lũ.
Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận gần 120 tỷ đồng tiền cứu trợ (bao gồm tiền và hàng hóa quy đổi) từ các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Quá trình tiếp nhận rất cẩn thận, chi tiết, không để sót người, sót của. Đồng thời MTTQ tỉnh quán triệt và tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và nhân dân về quá trình tiếp nhận và phân bổ phải tạo ấn tượng tốt đẹp đối với các nhà cứu trợ.
Đến thời điểm hiện tại Mặt trận, Ban cứu trợ các cấp đã triển khai việc phân bổ hàng cứu trợ như thế nào, thưa ông?
- Về hàng hóa cứu trợ cho bà con nhân dân vùng lũ lụt thông qua Ban cứu trợ tỉnh đã được giới thiệu, điều tiết về các địa phương, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hàng cứu trợ nằm ở trong kho lâu ngày.
Đồng thời Mặt trận tỉnh đã điều động phương tiện, nhân lực đi nhận hàng để kịp thời hỗ trợ các địa phương. Cụ thể như vào tới ga Đông Hà (Quảng Trị) để nhận hàng chục tấn gạo sau đó phân bổ về các địa phương vùng lũ lụt ở Lệ Thủy; hay lên ga Đồng Hới để nhận hàng cứu trợ sau đó phân bổ về các địa phương ở huyện Quảng Ninh, thành phố Đồng Hới.
Có một vấn đề đặt ra là sự chồng chéo giữa các đoàn cứu trợ tự phát khi có địa phương nhận được rất nhiều sự hỗ trợ còn địa phương lại rất ít, vậy MTTQ tỉnh đã điều tiết thế nào về việc này?
- Về tình trạng chồng chéo hàng cứu trợ đã xảy ra ở Quảng Bình nhưng chưa phải là nhiều. Hầu hết, những đoàn cứu trợ đến với Quảng Bình đều qua ban cứu trợ, nhưng vấn đề đặt ra là thông qua cấp nào?
Thông qua cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc thôn. Như vậy, cũng xảy ra trường hợp điều phối không đảm bảo công bằng. Có những đoàn không thông qua cấp huyện để về cấp xã, trong khi cấp xã lại không báo cáo huyện...
Vì vậy, để đảm bảo đúng địa chỉ, kịp thời, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã có công văn gửi về các địa phương để cập nhật hàng hóa cứu trợ ở từng khu dân cư sau đó báo cáo nhằm đảm bảo công tác điều phối và rà soát những xã, thôn bị thiệt hại nặng mà chưa hoặc ít đoàn đến cứu trợ.
Trong đợt lũ này, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều gương cán bộ MTTQ không ngại khó, ngại khổ, luôn luôn đồng hành với bà con trong mưa lũ để nhanh chóng, kịp thời chuyển những suất quà của các tổ chức, nhà hảo tâm đến với người dân đúng đối tượng, đảm bảo công bằng. Bình luận của ông về việc này?
- Đó là trách nhiệm của chúng tôi, cũng là tình cảm vốn phải có của người cán bộ với dân, nhất là trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Ngay khi mưa to nước lớn những người cán bộ Mặt trận ở cơ sở ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đến từng khu dân cư, từng căn nhà để thông báo, giúp đỡ người dân chủ động phòng chống lũ lụt. Và khi con nước lớn rút đi, họ lại cùng với người dân chung tay khắc phục hậu quả lũ lụt, đồng thời tiếp nhận, phân bổ từng phần quà của đồng bào cả nước chia sẻ. Nhiều lúc vì việc chung của cộng đồng, họ quên đi những thiệt hại mà lũ lụt cũng gây ra đối với gia đình mình.
Có thể nói, từ khi xảy ra cơn lũ lịch sử đến nay, hàng ngàn cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã kề vai sát cánh với người dân để cùng nhau “chia ngọt sẻ bùi” khi thiên tai, hoạn nạn.
Không kể thời gian giữa trưa nắng hay chiều tối, thứ 7 hay chủ nhật, tận tâm giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm ổn định cuộc sống. Cuộc sống người dân có ổn định, an toàn thì chúng tôi mới thấy mình hoàn thành nhiệm vụ.
Trân trọng cảm ơn ông!