Để người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt
“Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm Việt, giúp người tiêu dùng biết đến các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ uy tín, có chất lượng, các sản phẩm mới, các sản vật vùng miền… trên thị trường Việt Nam để người tiêu dùng biết đến hàng Việt và có sự lựa chọn đúng đắn, đáng tin cậy khi tiêu dùng hàng Việt”.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi lễ.
Đó là đề nghị của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tại lễ bế mạc chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam 2016 ngày 6/11.
Ngày 6/11, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Lễ bế mạc chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam 2016. Dự lễ bế mạc có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, lãnh đạo Bộ Công thương các bộ, ngành Trung ương, địa phương các doanh nghiệp.
Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2016 được tổ chức với nhiều sự kiện, hoạt động ở nhiều tỉnh thành phố trên cả nước. Với thông điệp “Mỗi người Việt Nam là một đại sứ hàng Việt”, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng chủ động của hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, các hiệp hội, doanh nghiệp.
Gần 2.000 cửa hàng xăng dầu, siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên cả nước đã tiến hành các chương trình giảm giá, khuyến mại, cổ động cổ động cho chương trình đã tạo nên sự lan tỏa, hưởng ứng mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân.
Thông qua chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam 2016, lần đầu tiên thông điệp người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được gửi tới các nhân nhiều triệu người tiêu dùng thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại với hàng chục triệu lượt người tiếp cận vào trang web, fecebook Tự hào hàng Việt; hàng nghìn sinh viên các trường đại học đã tham gia vào các sự kiện khai mạc, nhận diện hàng Việt…
Các hoạt động của chương trình đã tạo những cơ hội tốt để giới thiệu hình ảnh của doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ đến với người tiêu dùng, mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, tìm kiếm bạn hàng, đối tác tại thị trường nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường.
Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của thị trường trong nước với hàng hóa Việt Nam, thêm công cụ kiểm soát hàng hóa, từ đó có tiếng nói đồng thuận của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách, kiểm tra, kiểm soát thị trường, tạo cơ hội thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao những hoạt động hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Bộ Công Thương.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bộ Công Thương đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động và đạt được những kết quả tích cực trên các nhóm nhiệm vụ như thông tin, truyền thông; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam.
Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2016 với nhiều sự kiện, hoạt động sôi nổi, đã tạo nên sự lan toả, hưởng ứng mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân
“Chương trình đã kết nối cho hàng trăm doanh nghiệp và thu hút nhiều nghìn lượt người tiêu dùng tới tham quan, mua sắm hàng hóa, sản phẩm Việt Nam. Chương trình cũng đã góp phần giúp các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất tới đông đảo người tiêu dùng trong nước” - Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến Cuộc vận động; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông "Tự hào hàng Việt"; hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững; cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh...
“Những Chương trình cụ thể và ý nghĩa như Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam sẽ là những bước đi để biến các mục tiêu nêu trên sớm trở thành hiện thực. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục có nhiều chương trình, hoạt động rộng khắp, để tăng cường công tác truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm Việt, giúp người tiêu dùng biết đến các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ uy tín, có chất lượng, các sản phẩm mới, các sản vật vùng miền… trên thị trường Việt Nam để người tiêu dùng biết đến hàng Việt và có sự lựa chọn đúng đắn, đáng tin cậy khi tiêu dùng hàng Việt”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị.