Ngày hội Robothon miền Bắc: Khơi nguồn sáng tạo cho những lập trình viên nhí

Nhật Nam 07/11/2016 09:10

Cuối tuần qua, 65 đội tuyển với hơn 200 học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại Hà Nội và Hải Phòng đã tham gia đua tài lắp ghép và lập trình robot trong ngày hội Robothon quốc gia được tổ chức tại Hà Nội.

Học sinh tiểu học tham gia đua tài trong ngày hội Robothon quốc gia.

Khơi dậy các kỹ năng

Năm nay ngày hội Robothon cấp quốc gia được phối hợp tổ chức bởi Học viện STEM, Công ty DTT Eduspec và các Sở GD&ĐT tại 3 thành phố Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 1.000 phụ huynh và học sinh. Các đội tuyển đạt giải sẽ được đề cử để tham dự cuộc thi Robothon quốc tế tổ chức tại Malaysia vào ngày 4/12 tới.

Chủ đề của cuộc thi năm nay là Internet of Things (IoT) – Mạng lưới vạn vật kết nối Internet. Các thí sinh tham gia sẽ lắp ghép và lập trình các robot để thực hiện các nhiệm vụ mô phỏng như thu nhận, trích xuất và phân phối dữ liệu, trích xuất thông tin, tích hợp hệ thống.

Bà Phạm Thị Thu Hiền- Phó Giám đốc Công ty DTT Eduspec cho biết, mục tiêu của cuộc thi không chỉ giúp học sinh tiếp cận với công nghệ mà còn học được các kĩ năng xử lý tình huống. Dựa trên kiến thức đã học, học sinh được đưa ra các chủ đề để tự lập trình cho một con robot xử lý tình huống. Cuộc thi cũng là cơ hội để học sinh hoàn thiện khả năng làm việc nhóm. Bởi vì, thường có 3 em trong 1 nhóm, sẽ phải biết cách phân chia công việc. Nhìn xa hơn, từ cuộc thi này các em được phát triển tư duy rất lớn. “Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, theo xu hướng thời đại mới, lập trình trở thành một kỹ năng bắt buộc của tất cả những người đi xin việc, giống như trước đây kĩ năng bắt buộc là biết sử dụng máy tính. Đây là kỹ năng mà bây giờ nhiều công ty trên thế đã yêu cầu”, bà Hiền cho hay.

Em Nguyễn Gia Linh – học sinh lớp 7A4 Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành – Hà Nội đã 5 lần ở trong đội tuyển Robothon của trường. Nếu như các năm trước em đảm nhận vai trò lắp ráp thì năm nay em đã trở thành người lập trình. Quá trình sáng tạo cũng là cơ hội để em trau dồi nhiều kĩ năng cần thiết: “để hoàn thiện 1 con robot thực hiện tất cả các nhiệm vụ, em cùng thầy tìm hiểu rất nhiều tài liệu. Quá trình sáng tạo robot một mặt giúp em trau dồi kiến thức, sáng tạo, mặt khác rèn luyện tính kiên trì, theo đuổi mục tiêu tới cùng”, Linh chia sẻ.

Từ một cuộc thi, anh Nguyễn Quang Thạch – người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn lại có cái nhìn xa hơn khi ngẫm tới câu chuyện hội nhập. Robothon “là một cách mở đường cho người Việt không mất việc trên mảnh đất của mình. Hơn nữa, còn có thể xuất khẩu lao động kỹ thuật cao sang Mỹ, các quốc gia châu Âu. Ba Lan có trung tâm Copernic cho trẻ em trải nghiệm khoa học kỹ thuật, họ xếp thứ 5 thế giới về lập trình nhờ thúc đẩy hoạt động khoa học kỹ thuật như thế này…”

Kỳ vọng mở rộng quy mô

STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Kể từ năm 2010 đến nay, DTT Eduspec nhận ra tầm quan trọng của Giáo dục STEM và quyết định đưa chương trình về Việt Nam, trong đó có bộ môn lắp ráp và điều khiển robot (Robotics) cho học sinh từ cấp Tiểu học. Trong những năm qua, Robotics đã được đưa vào hơn 100 trường học, đào tạo cho hơn 30.000 lượt học sinh tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.

Theo bà Phạm Thị Thu Hiền, sở dĩ ở các thành phố lớn mới được học môn này vì đầu tư về thiết bị, robot rồi các thầy cô giáo đào tạo về lĩnh vực này hoàn toàn mới.

Ngay cả ở thành phố, không phải học sinh nào cũng được tiếp cận với Robothon thì bộ môn này với trẻ em nông thôn là chuyện quá xa vời. Tuy nhiên, anh Nguyễn Quang Thạch cũng đã từng thử nghiệm đưa giáo dục STEM đến với trẻ em nông thôn. Chương trình Sách hóa nông thôn cũng kết hợp với Sách Long Minh làm STEM tái chế cấp thấp, cũng một phần bù thiệt thòi cho con trẻ. “Hy vọng những cuộc thi như thế này phải lan đến cấp huyện cho trẻ em nông thôn được trải nghiệm nhưng Nhà nước phải hỗ trợ những doanh nghiệp như thế này để tham gia vào tiến trình giáo dục. Ngân sách cấp huyện có thể trích để tổ chức cuộc thi như thế này thì trẻ em nông thôn sẽ được lợi”, anh Thạch trăn trở.

Cùng đó, sắp tới DTT Eduspec và Học viện STEM chuẩn bị đưa ra một hình thức để tất cả các em trên toàn quốc đều tiếp cận được đó là các em học trên môi trường robot ảo. Tất cả các em có thể bỏ ra một khoản tiền 50 USD/năm, bất kể ở đâu miễn có máy tính, internet là có thể được học. Bố mẹ hay nhà trường không mất thời giờ tập hợp các em đến và được giảng dạy ngay trên đó. “Chúng tôi sẽ có những khóa đến tận các tỉnh, các trường đó đào tạo lắp ráp thực tế chạy trên robot thật và các em cũng được tham gia cuộc thi này”, bà Hiền khẳng định.

Nhật Nam