COP22: Biến Hiệp định Paris lịch sử thành hành động
Thành phố Marrakech của Marocco vốn nổi tiếng với màu đất son đặc trưng sẽ trở thành tâm điểm của thế giới trong vòng 11 ngày tới khi trở thành địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 22 (COP22) với một mục tiêu duy nhất: Biến thỏa thuận lịch sử Paris thành hành động cụ thể.
COP22 được tổ chức từ ngày 7 đến 18/11 tại Marrakech, Morrocco. (Nguồn: EPA).
Tại hội nghị COP lần này, hàng loạt các bên tham gia sẽ cùng thảo luận các vấn đề còn đang gây chia rẽ, từ các nguồn năng lượng tái sinh cho tới hạn ngạch giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên mục tiêu chính của họ chính là tiếp tục xây dựng một thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu đã ký kết tại Paris trong COP21 năm ngoái.
Tại buổi họp báo ngày 6/11 ở Marakech, Chủ tịch COP22 Salaheddine Mezouar cho biết COP22 đặt mục tiêu thiết lập các quy tắc để thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, có hiệu lực từ ngày 4/11 sau khi được 100 quốc gia, chiếm tới 68% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới phê chuẩn. Con số này đã vượt mức quy định là có ít nhất 55 quốc gia chiếm 55% GES phê chuẩn hiệp định này.
“Giờ là lúc để biến cam kết thỏa thuận Paris thành hiện thực và xây dựng nó” - bà Mariana Panuncio Feldman, người đứng đầu phái đoàn của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã (WWF) tới tham dự COP22, nói với hãng tin EPA - “COP22 có thể sẽ đưa ra được kế hoạch hành động cụ thể trong vòng 2 năm tới”.
COP22, được tổ chức nhằm thực thi thỏa thuận Paris và đánh giá về thỏa thuận này trong tương lai, đã đại diện cho một mục tiêu chung của hàng loạt các nước tham gia ký kết trong việc giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới mức 2 độ C.
Tuy nhiên, COP22 đang phải đối mặt với một thực tế rằng, hiện tại, sự hợp tác quốc tế trong công cuộc bảo vệ toàn cầu khỏi tình trạng nóng lên là chưa đủ. Thậm chí ngay cả khi tất cả những lời cam kết ở Paris được thực hiện, thì theo giới chuyên gia khí tượng, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ tăng khoảng từ 2,9 - 3,4 độ C trong thế kỷ này.
Trong hội nghị lần này, các phái đoàn dự kiến sẽ phải vạch ra chi tiết về thỏa thuận Paris, để từ đó hoạch định các chính sách và quyết định về các mục tiêu toàn cầu, biến các kế hoạch thành hành động cụ thể. Hiện nay, các nước vẫn chưa thể nhất trí về mức độ đóng góp của từng quốc gia chiếu theo thỏa thuận này sẽ được thay đổi trong vòng 5 hay 10 năm. Vậy nên việc đưa ra một khoảng thời gian cụ thể sẽ là một trọng tâm của COP22.
Mục tiêu tiếp theo của hội nghị lần này là làm rõ mức độ đóng góp cho thỏa thuận Paris đối với các nước đang phát triển. Vấn đề này hiện khá phức tạp bởi mỗi nước cần phải tự đánh giá về mức độ đóng góp của mình tùy theo nguồn lực mà họ sẵn có hoặc những mục tiêu mà họ muốn đạt được nhưng không thể đối với nguồn tài chính hiện tại.
Bởi vậy mà COP22 còn được gọi là COP của châu Phi, do có mục tiêu quan trọng là làm rõ vai trò của các nước đang phát triển đối với giải pháp chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các vấn đề về xây dựng năng lực, tài chính và chuyển giao công nghệ cũng như các phương pháp triển khai cần phải được đưa vào tầm nhìn để tăng cường khả năng hành động.
Theo các chuyên gia, Hội nghị COP22 có nhiệm vụ rất khó khăn vì buộc phải tìm được sự đồng thuận về cách thức thực hiện Hiệp định Paris sau thất bại của Nghị định thư Kyoto năm 1997 và COP15 tại Copenhagen, Đan Mạch năm 2009.
COP22 sẽ là sự kiện vô cùng quan trọng bởi nó cho phép xác định các hành động cụ thể của các quốc gia tham gia chống lại sự nóng lên của Trái Đất cũng như sự hỗ trợ dành cho các nước đang phát triển và các quốc đảo. Hội nghị ở Marrakech cũng hy vọng sẽ tìm được sự đồng thuận về cách thức mà các nước giàu sẽ giúp đỡ các nước đang phát triển trong nỗ lực chuyển sang nền kinh tế carbon thấp.
Trong năm 2009, các quốc gia phát triển trên thế giới đã cam kết nâng tổng số tiền hỗ trợ cho các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu lên 100 tỷ USD từ đó cho đến năm 2020 thông qua Quỹ Khí hậu Xanh, một quỹ hoạt động theo sự hướng dẫn của COP.
Hướng tới các cộng đồng dễ bị ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu, quỹ này đã thu hút được nhiều đề xuất từ các tổ chức trên thế giới. Tháng 10 vừa qua, các nước tham gia đóng góp khoản tiền 100 tỷ USD này đã đưa ra một báo cáo tuyên bố rằng số tiền này đã sẵn sàng cho đến năm 2020; tuy nhiên báo cáo này bị chỉ trích là chưa minh bạch trong vấn đề các nguồn cấp vốn và hỗ trợ tài chính.
Nhưng tại COP22 lần này, khi mà tính minh bạch đang trở thành một điểm nhấn đáng mừng, thì việc cấp nguồn tài chính cho các nước cam kết với thỏa thuận Paris sẽ trở thành một vấn đề chủ đạo và có khả năng cho ra kết quả tốt. Bên cạnh đó, sự chung tay của khu vực tư nhân đối với biến đổi khí hậu toàn cầu đang có tín hiệu gia tăng thời gian qua cũng được xem là một điểm nhấn của hội nghị lần này.
Hội nghị lần này cũng là dịp mở ra đối thoại giữa các quan sát viên chính thức và các tổ chức phi chính phủ nhằm thúc đẩy tiến trình giảm khí thải nhà kính và khởi động công cuộc phòng chống biến đổi khí hậu, đồng thời tạo ra các mối quan hệ đối tác mới và các phương thức phát triển mới.