Nhà máy nhiệt điện than: Giải bài toán ô nhiễm môi trường

Duy Phương 08/11/2016 09:17

Với lợi thế chi phí thấp, nguồn nguyên liệu khá dồi dào, công nghệ nhiệt điện than vẫn được cho là giải pháp ưu tiên để sản xuất điện, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ này là lượng tro xỉ thải ra môi trường rất lớn. Bởi vậy, làm thế nào vừa đảm bảo môi trường, nhưng vẫn sử dụng công nghệ & nhiệt điện là bài toán đặt ra hiện nay.

Nguy cơ từ việc xả thải của nhiệt điện than

Đến năm 2015, trong cơ cấu sản xuất điện của Việt Nam, nhiệt điện than đã chiếm tỉ trọng 30,4%, chỉ đứng sau thủy điện (38%). Nhiệt điện than được dự báo sẽ là nguồn năng lượng chiếm ưu thế trong thời gian tới đây nhằm đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, do có nhiều lợi thế về chi phí đầu tư, vận hành, đảm bảo nguồn nguyên liệu (than) trong bối cảnh các nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt, và phải nhập khẩu.

Trong sơ đồ Quy hoạch điện VII cũng đề cao vai trò của nhiệt điện than. Cụ thể theo Quy hoạch này, đến năm 2020, nhiệt điện than sẽ đạt 26.000MW, năm 2025 là 47.600MW, năm 2030 là 55.300MW. Tương ứng là 29,3%; 55%; 53,2%.

Những chỉ số nói trên cho thấy, công nghệ nhiệt điện than vẫn luôn là lựa chọn ưu tiên của Việt Nam trong việc sản xuất cung ứng điện cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, đi kèm với những ưu thế về chi phí đầu tư, vận hành… thì vấn đề về môi trường đang thực sự gây đau đầu cho các nhà làm quản lý cũng như các nhà khoa học, giới chuyên gia hiện nay. Một con số công bố của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID) cho thấy, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than đã và đang thải ra một lượng tro xỉ khồng lồ.

Ước tính, sẽ có khoảng 14,8 triệu tấn tro xỉ được thải ra mỗi năm từ năm 2020 trở đi và lên đến 29,1 triệu tấn mỗi năm từ năm 2030. Đây thực sự là một mối đe dọa vô cùng lớn đối với môi trường, hệ sinh thái nước ta.

Không ít chuyên gia ngành môi trường đặt câu hỏi: “Nhiệt điện than tuy có điều kiện phát triển, nhưng nó là mối đe dọa lớn đến môi trường, nguồn sống của con người và thế giới đang loại bỏ dần. Tại sao chúng ta lại đi theo điện than mà không tìm giải pháp phát triển các nguồn năng lượng điện khác như điện gió hay điện mặt trời?”

Tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện có thể tái sử dụng cho ngành xây dựng.

Không tái sử dụng tro xỉ là quá lãng phí

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến - Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, công nghệ nhiệt điện than có nhiều ưu thế và rất phù hợp với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Cụ thể, theo TS. Hiến, nếu đầu tư một nhà máy nhiệt điện than, chi phí rất thấp so với đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất điện mặt trời. Và nếu muốn thay thế nhà máy nhiệt điện than thì Việt Nam phải bỏ ra một khoản kinh phí xây dựng 3 nhà máy nhiệt điện gió cùng công suất mới đủ nguồn cung cấp điện tương đương. Và quan trọng hơn, công nghệ nhiệt điện than rất phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Đồng quan điểm với TS. Hiến, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cũng cho rằng, tại Việt Nam, nhiệt điện than bắt đầu tăng trưởng từ sau năm 2000, khi Phả Lại 2 đi vào sản xuất. Ưu điểm của nhiệt điện than cho giá thành sản xuất thấp (khoảng 7cent Mỹ/kWh).

Vốn đầu tư không quá cao, thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân (khoảng 1.500 USD/kWh). Ngoài ra, với lợi thế không lệ thuộc vào địa điểm như thủy điện, thời gian xây dựng cũng không quá lâu, chỉ khoảng 3 năm… nên nhiệt điện than vẫn đang là giải pháp được ưu tiên lựa chọn cho vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.

TS. Nguyễn Mạnh Hiến cho rằng, trong khi việc xây dựng, đầu tư các nhà máy năng lượng điện khác như điện gió, điện hạt nhân quá đắt đỏ, không phù hợp với điều kiện kinh tế và địa lý của Việt Nam, thì công nghệ nhiệt điện than sẽ vẫn là giải pháp cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia trong nhiều chục năm nữa.

Tuy nhiên, trước những bất cập về môi trường, những rủi ro tiềm ẩn có thể tác động, hủy hoại môi trường sinh thái từ việc xả thải tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, TS Hiến cho rằng, cơ quan quản lý cần đưa ra cơ chế khuyến khích các DN tái sử dụng tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện. Cụ thể, theo vị chuyên gia này, các nước đã sử dụng tro xỉ để sản xuất xi măng, gạch… phục vụ cho lĩnh vực xây dựng, cầu đường…

Trong khi Việt Nam lại coi đó là các chất thải gây ô nhiễm, như vậy là quá lãng phí. “Nhà nước cần có cơ chế để khuyến khích DN sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu phục vụ cho xây dựng, bên cạnh đó phía các nhà máy nhiệt điện cũng sẵn sàng phối hợp cung ứng tro xỉ cho DN… Tất cả đều phụ thuộc vào cơ chế của cơ quan quản lý” – TS Hiến nhấn mạnh.

Duy Phương