Giáo dục đến từng con người
Làm giáo dục nếu không hướng đến phẩm chất và năng lực cho từng con người thì chúng ta không có một nền giáo dục bền vững, không thể có thành công trong giáo dục. TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội trao đổi về giáo dục ở bậc phổ thông, nơi hình thành nhân cách học sinh, nên tuyệt đối không nên chạy theo thành tích.
TS Nguyễn Tùng Lâm.
PV:Vừa qua có những trường hợp ngồi nhầm lớp bị phát hiện như có hàng chục học sinh tại huyện Củ Chi, TP.HCM sáng học lớp 5 nhưng chiều phải chuyển xuống học lớp 1 vì không đọc, không làm được các phép tính từ số 1 – 20, hay một học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng cũng vậy… đã khiến dư luận xã hội băn khoăn. Rồi bạo lực học đường xảy ra liên tiếp.Điều đáng nói, đây không phải là những câu chuyện mới. Ông nhìn nhận những trường hợp này như thế nào?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Trước hết, chúng tôi là những người làm giáo dục, cứ thấy câu chuyện về ngồi nhầm lớp hay bạo lực học đường… tái diễn đi tái diễn lại, mà không có biện pháp dể dứt điểm thì thấy rất đau xót.
Việc ngồi nhầm tới 5, 6 lớp cho thấy bệnh thành tích trong giáo dục của chúng ta hiện nay rất nặng.Đáng ra giáo dục phải đảm bảo đầu vào và đầu ra.Những nơi miền núi đầu vào rất khó khăn thì đầu ra đòi hỏi khác, chứ không thể bắt các trường, các vùng giữa vùng khó khăn thi đua với các vùng phát triển, để không thấy được sự cố gắng của người ta. Việc cào bằng hết, cứ trường nào có số lượng lên lớp cao, có số học sinh giỏi, thi tốt nghiệp cao là vỗ tay thì cực kỳ nguy hiểm. Ngược lại chúng ta càng phải biểu dương những nơi khó khăn mà nhà trường giúp cho học sinh chuyển biến được.
Người làm giáo dục phải hết sức quan tâm, chúng ta làm giáo dục là giáo dục con người. Chúng ta cứ nghe nói dạy học là giáo viên lên lớp dạy ào ào mấy chục học sinh thế là xong.Không phải. Giáo dục là đến từng con người. Nếu chúng ta không hướng đến hiệu quả giáo dục cho từng con người, mang lại hạnh phúc cho con người thì chúng ta không có một nền giáo dục bền vững. Chúng ta không thể có thành công trong giáo dục.
Với chủ trương này tôi cho rằng các địa phương phải tự ý thức, phát triển lớp cho đủ để đảm bảo sĩ số học sinh.Vùng sâu vùng xa ngoài việc vận động học sinh đến trường, còn phải biết tổ chức giảng dạy như thế nào.Bởi nếu tổ chức giảng dạy ở miền núi mà có hiệu quả, học sinh thấy là niềm vui, hạnh phúc thì có thể vượt qua được nhiều thứ chông gai. Các em khát khao con chữ, mà chúng ta không đáp ứng được là lỗi rất lớn của chúng ta.
Tôi cũng đề nghị, những vùng miền núi, vùng sâu xa cần có thêm chiến lược mới, ví dụ như chính sách tình nguyện cho những giáo viên miền xuôi. Chẳng hạn khi họ hết hợp đồng, về hưu, gia đình khó khăn thì có thể đến các vùng sâu, vùng khó khăn mấy tháng để hỗ trợ đồng bào miền núi, thầy cô vùng đó, vừa có niềm vui vừa có thêm nguồn lực.
Ở góc độ là nhà tâm lý, ông có thể cho biết những câu chuyện liên quan đến văn hoá học đường có tác động tâm lý như thế nào đối với các em học sinh?
- Đặt vấn đề về mặt tâm lý, trước hết tâm lý thiếu tự tin, lúc nào cũng nơm nớp lo lắng thì cuộc sống đâu còn hạnh phúc nữa? Bởi vì, chuyện ngồi nhầm lớp cứ hình dung các em ngày ngày đến lớp ngồi mà không hiểu gì không biết gì cả, hết giờ này sang giờ khác. Những em này cứ phải giả đọc, giả chép của bạn, cuộc sống không thật… thì kinh khủng quá.
Bao giờ cuộc sống cũng có đòi hỏi riêng, có quy luật riêng.Chúng ta không thể che đậy mãi được. Cái kim trong bọc mãi cũng sẽ phải lòi ra. Các em đi học để biết chữ, để tính toán, giải đáp các vấn đề cuộc sống mà cuối cùng vẫn không làm gì được, không hơn gì người không đi học thì cực kỳ nguy hiểm…
Vậy để giải quyết những vấn đề này, ông có gợi ý gì?
- Chúng ta phải quan niệm lại về giáo dục. Giáo dục phải là đến từng con người một. Mà chưa đến được với học sinh nào thì chúng ta phải đào tạo lại, không thể có bệnh thành tích, không thể thi đua nhau ở đây được.Vấn đề thứ hai, chúng ta nên suy nghĩ những cách làm mới, cách làm thiết thực không đao to búa lớn mà lại phù hợp với sự phát triển hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!