Tận dụng tài nguyên biển để phát triển du lịch

Thành Luân 08/11/2016 10:56

Có bờ biển trải dài 3.260km qua 28 tỉnh/thành, với điểm nhấn là 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cùng hơn 3.000 đảo lớn nhỏ trong vùng biển chủ quyền, các khuyến nghị cho rằng Việt Nam cần tận dụng lợi thế nêu trên để phát triển du lịch biển đảo gắn liền với bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc.

Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh.

Tài nguyên du lịch biển

Việt Nam có 28 tỉnh/thành ven biển, với một bờ biển trải dài trên 3.260km. Ngoài 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam còn có hơn 3.000 đảo lớn nhỏ ven bờ, nhiều đảo có người dân sinh sống. Thềm lục địa nước ra cũng khá đa dạng, tạo thành vùng đặc quyền kinh tế rộng gấp 3 lần diện tích đất liền.

Thạc sĩ Ngô Hoàng Đại Long – Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo cho biết: do đặc điểm kiến tạo địa chất, với các dãy núi đá vôi vươn ra sát biển đã tạo thành nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng, nhiều vịnh, bãi cát trắng, hang động, các bán đảo và đảo liên kết với nhau thành các quần thể du lịch hiếm có trên thế giới.

Điển hình như di sản thiên nhiên thế giới – vịnh Hạ Long, các thắng cảnh nổi tiếng như Phong Nha, Bích Động, Non Nước,…Nhiều di tích lịch sử và văn hóa như cố đô Huế; phố cổ Hội An, Tháp Chàm, nhà thờ đá Phát Diệm,…đều được phân bố ven biển.

Ông Long dẫn chứng du lịch biển đảo Lý Sơn nhờ tận dụng được di sản địa – văn hóa đảo đã phát triển được nhiều sản phẩm du lịch đặc thù cho “di sản đảo Lý Sơn”.

Trong đó, ngoài việc quảng bá được đểm đến với các giá trị nổi bật về cảnh quan, cổ sinh địa tầng, lịch sử phát triển địa chất – địa mạo và truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa thì Lý Sơn còn gây ấn tượng với du khách về Lễ khao thề lính Hoàng Sa được 13 dòng họ trên đảo lưu giữ, tổ chức hàng năm.

Những địa phương thành công trong phát triển du lịch biển đảo cho thấy tiềm năng du lịch biển rất phù hợp để Việt Nam phát triển đa dạng các loại hình du lịch hiện đại, trong đó có du lịch biển đảo kết hợp du lịch sinh thái vùng ven biển, hải đảo, ngầm dưới nước, du lịch thể thao biển (bơi lội, lặn biển, lướt sóng, đua thuyền,…).

TS. Võ Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Du Lịch (ĐH Hải Phòng) cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần coi kinh tế biển, mà du lịch biển đảo là một trong những trụ cột đem lại doanh thu cho ngành du lịch nước nhà, đồng thời gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đối với tiềm năng du lịch biển đảo, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là một kho tàng sinh động, phong phú.

Thậm chí, trong lịch sử dân tộc thì có đến 2/3 cuộc chiến tranh mà kẻ thù sử dụng đường biển để tấn công xâm lược nước ta.

Những chiến công vang dội trên chiến trường sông biển có thể kể đến, như: 3 lần đại thắng quân thù trên sông Bạch Đằng (các năm 938, 981, 1288), chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút (1785), chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ,…là những minh chứng ghi đậm dấu ấn trong lịch sử dân tộc.

Hướng tầm nhìn ra biển

Vươn ra biển, làm giàu từ biển là một định hướng phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Việt Nam là một quốc gia có biển, một nhân tố mà thế giới luôn xem là yếu tố đặc lợi. Do đó, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa khả năng quản lý, làm chủ vươn ra biển làm động lực thúc đẩy các vùng khác trong đất liền phát triển.

Là người nghiên cứu sâu về tiềm năng du lịch biển Khánh Hòa, TSKH Nguyễn Văn Khánh dẫn chứng về mô hình của địa phương này, khi cho đến nay đã thu hút đến 97 dự án ven biển, với tổng vốn đăng ký lên đến 58.352 tỷ đồng, trong đó dự án về du lịch chiếm đến 85% về số lượng và vốn đầu tư.

Thành công trên nhờ các sản phẩm du lịch biển đảo của Khánh Hòa đã được đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực.

Nhờ đó, thương hiệu du lịch biển đảo Nha Trang – Khánh Hòa ngày càng được khẳng định uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều sự kiện, hội nghị lớn mang tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Ngoài mô hình làm du lịch biển của Khánh Hòa, hiện nay tuyến du lịch ý thức ra Trường Sa được UBND TP HCM nghiên cứu tổ chức. UBND TP giao cho Sở Du lịch TP và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức tuyến du lịch này.

Đây cũng là địa phương đi đầu cả nước về tổ chức du lịch ý thức đến Trường Sa. Về mô hình này, PGS.TS Phạm Trung Lương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – cơ quan đang chủ trì nghiên cứu đề án phát triển du lịch Trường Sa nhìn nhận: Một điểm nhấn rất quan trọng trong đề án phát triển du lịch biển đảo giai đoạn 2011 – 2020 là phát triển du lịch ở quần đảo Trường Sa.

Theo TS. Đặng Hoàng Lan, giảng viên khoa Du lịch (ĐH Văn hóa TP HCM), các yếu tố được dự báo sẽ đưa đến sự hấp dẫn cho việc phát triển du lịch ra quần đảo Trường Sa chính là do đây là quần đảo san hô điển hình mà không phải đảo nào ở Việt Nam cũng có; môi trường ở Trường Sa rất trong lành, hầu như còn nguyên sơ; có thể đa dạng các loại hình du lịch ở Trường Sa, như du lịch bằng tàu biển, thể thao biển.

Đặc biệt, du lịch Trường Sa gắn với một nhiệm vụ rất quan trọng là bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Thành Luân