Chuyên gia Nhật Bản giúp tu bổ cánh cửa chùa Phổ Minh

Hạ Huyền 08/11/2016 11:11

Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN vừa tổ chức buổi báo cáo giai đoạn I tu sửa, phục dựng 2 trong số 4 cánh cửa chùa Phổ Minh (hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Cánh cửa chùa Phổ Minh trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN.

Công việc này do các chuyên gia bảo tồn di sản Nhật Bản giúp đỡ. Theo đó, dự án sẽ kéo dài trong 3 năm, từ 2016- 2018.

Chùa Phổ Minh được xây dựng từ thời Lý, đến thời Trần được trùng tu lại với qui mô lớn.Bộ cánh cửa chùa Phổ Minh (Nam Định) gồm có 4 cánh.

2 cánh hiện nay trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, 2 cánh còn lại được Bảo tàng Lịch sử quốc gia sưu tầm và đưa về lưu giữ từ năm 1961.

Hiện nay 2 cánh cửa này đang được trưng bày trên hệ thống trưng bày chính của bảo tàng, thuộc phần lịch sử giai đoạn triều Trần.

Theo đó, 2 cánh cửa nằm ở gian giữa của tiền đường được tạo bằng 2 tấm gỗ lim lớn, to dày, cao 1m92, rộng 0,715m, nguyên khối, gồm 2 cách trang trí đối xứng. Ô trên được chạm trang trí 4 rồng chia làm 2 cặp đối xứng nhau, 2 cặp rồng lớn trong ô lá đề và 2 cặp rồng nhỏ.

Các con rồng trang trí trên cánh cửa chùa Phổ Minh đều có đặc điểm đầu ngẩng cao, thân uốn khúc, đuôi chụm về phía đỉnh lá đề. Thân rồng hình tròn, thon, không có vảy, mào lửa dài. Hai rồng lớn thắt túi, miệng há, bờm và râu bay lên tạo mây lửa, thân rồng mập tròn cuốn thành khúc nhỏ dần về đuôi.

Cả 2 rồng trong tư thế cuộn trong hình lá đề, xung quanh chấm mây lửa, giữa là bông sen nở, rồng có 3 móng vuốt.

Phần dưới chạm 2 bông hoa cúc nở đối xứng, phía trên chạm lá đề, cánh sen kép, hàng dưới chạm sóng nước.

Trước đó, Qũy Sumitomo đã có 3 năm đồng hành cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong công tác bảo quản hiện vật.

Đây là năm thứ 4 quỹ tiếp tục đồng hành cùng bảo tàng trong dự án tu sửa, phục dựng cánh cửa chùa Phổ Minh. Dự kiến dự án này sẽ kéo dài trong ba năm 2016 – 2018.

Đồng hành cùng các cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN trong dự án này, phía Nhật Bản có các chuyên gia của Viện Bảo tồn di sản Văn hóa quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Nhật Bản, Bảo tàng Quốc gia Kyushu Nhật Bản.

Theo đó trong giai đoạn I, các chuyên gia Nhật bản sẽ bắt tay tiếp cận, nghiên cứu bước đầu về phục dựng, bảo quản 2 cánh cửa chùa Phổ Minh; Khảo sát, đối sánh thực địa di tích chùa Phổ Minh và Hoàng thành Thăng Long, nghiên cứu những họa tiết, hoa văn thời Trần trên các chất liệu gốm, đất nung, đặc biệt là trên chất liệu gỗ làm tư liệu tham khảo, tìm ra giải pháp thích hợp nhất để phục dựng, bảo quản hiện vật quý giá này, nhằm mục đích lưu giữ, bảo quản, phát huy tác dụng lâu dài dưới tác động của khí hậu nhiệt đới.

Phía Bảo tàng Lịch sử VN cũng đề nghị chuyên gia bảo tồn di sản Nhật Bản tiếp tục tài trợ cho việc in ấn, xuất bản tài liệu công bố kết quả quá trình phục dựng, bảo quản 2 cánh cửa này để làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các bạn đồng nghiệp ở Việt Nam khi bảo quản các chất liệu gỗ.

Hạ Huyền