Sống bên dãy Andes
Andes là dãy núi dài nhất thế giới, hơn 7.000km gồm một chuỗi núi liên tục chạy dọc theo bờ Tây lục địa Nam Mỹ. Độ cao trung bình của nó cũng thật đáng nể: lên tới 4.000m. Andes bao gồm 2 dãy núi lớn: Cordillera Oriental và dãy Cordillera Occidental, nơi đây cuộc sống của con người có nhiều nét rất khác biệt.
Nằm ở thung lũng Urubamba (Peru), một đô thị cổ bị lãng quên nhiều thế kỷ cho đến khi nhà khảo cổ Hiram Bingham phát hiện vào năm 1911.
1. Dãy Andes trải dài qua 7 quốc gia: Argentina, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador, Peru và Venezuela. Đỉnh cao nhất của Andes là Aconcagua cao đến 6.962m so với mực nước biển. Andes không cao như Himalaya nhưng dài gấp đôi Himalaya. Nơi đây được coi là vùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ núi lửa phun trào nhất trái đất.
Do độ dài “khủng”, độ cao khác nhau nên Andes có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Phía Nam nhiều mưa và lạnh, phía Bắc nhiều mưa và ẩm còn đoạn giữa thì phổ biến là khí hậu khô. Thật cũng khó hình dung là rừng mưa lại tồn tại chỉ cách khu vực đỉnh Cotopaxi bị tuyết bao phủ quanh năm chỉ vào km, nơi có những con sông băng vô cùng lạnh lẽo.
Hệ thực vật của Andes cũng có những nét độc đáo với những loại cây xứ lạnh, cây xứ nóng, xứ ẩm và cả những loại cây bụi kéo dài trong các sườn núi gần sa mạc Atacama không có sự sống.
Nhiều loại cây sống ở độ cao 4.500m trở lên thực sự mang lại cho Andes niềm tự hào bởi trong số đó nhiều loại là dược liệu quý. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng dần biến mất trước sự khai thác quá mãnh liệt của con người.
Hai mẹ con.
Về hệ động vật, Andes rất phong phú với khoảng 3.500 loài, trong đó gần 2/3 là loài đặc hữu. Andes chính là nơi tập trung đông nhất các loài lưỡng cư trên thế giới. Trong số gần 600 loài thú thì có khoảng 13% là loài đặc hữu; hơn 1.700 loài chim,, hơn 600 loài bò sát và khoảng 400 loài cá.
Nổi bật nhất trong các loài chim ở đây chính là “thần ưng Andes”- loài chim biểu tượng cho khát vọng tự do của con người. Và, nói đến dãy Andes, không thể không nói đến hồ nước mặn Titicaca với loài chim lặn Rollandia. Đây là hồ nước “thú vị bậc nhất hành tinh”- đánh giá của các chuyên gia môi trường Đại học Columbia (Mỹ). Xung quanh hồ nhiều thị trấn mọc lên, dân cư ngày một đông đúc nhưng đây vẫn là hồ nước hết sức mát lành. Người ta thường xuyên tổ chức những chuyến du ngoạn trên hồ, kể cả trong đêm để ngắm bầu trời mênh mông với những ấn tượng vô cùng đẹp đẽ.
Andes là địa chỉ thu hút nhiều nhà thám hiểm.
2. Dãy Andes có nhiều địa chỉ văn hóa độc đáo, lâu đời, trong đó đền Chavin de Huantar nằm trong một thung lũng hẹp, cao hơn mực nước biển 3.200m được biết đến như một huyền thoại. Giới nghiên cứu cho rằng đền được xây dựng trước đây 5.000 năm, là trung tâm văn hoá của người Peru cổ đại. Đáng chú ý, ngôi đền lại xây dựng trong một khu vực hiểm trở, dễ bị ngập lụt.
Người ta cho rằng điều đó cho thấy trước đây nhiều ngàn năm, đây là thung lũng màu mỡ và bình yên nhưng sau này do biến đổi địa lý nên nó đã rơi vào tình thế khó khăn và trở nên hoang tàn khi con người dần rời đi.
Tới nay, đền Chavin de Huantar vẫn mang trong nó nhiều bí mật. Khi bước vào mê cung các đường ngầm, người ta dễ dàng lạc lối và hoàn toàn mất phương hướng. Nói như Phó giáo sư John Rick thì đó là một hệ thống vô cùng hớp hồn. Người xưa đã kết hợp các kỹ thuật thủy lực, kỹ xảo âm thanh, các tấm gương và các loại thuốc gây tác động tới thần kinh. Họ khiến nước như đang nhảy múa, ca hát khi chảy qua các con kênh.
Vẫn theo Phó giáo sư John Rick, tới nay người ta không thể biết được ai là người thiết kế công trình kì bí đó. “Không thể là một nhóm kiến trúc sư, vì quy hoạch của nó vô cùng nhất quán. Điều đó chỉ có thể là tác phẩm, là ý tưởng của một người. Nhưng nó lại được thể hiện cực kỳ thống nhất trong cả vài trăm năm, vì không ai có thể xây dựng được một khu đền tháp kỳ vĩ như vậy trong vòng vài mươi năm, nhất là với thực tế nhiều hạn chế của thời bấy giờ”- theo John Rick.
Nay, đền Chavin de Huantar được biết đến như một phế tích. Tương tự, người ta cũng lấy làm lo ngại khi thị trấn Cerro de Pasco (Peru) rất có khả năng sẽ bị mỏ bạc “nuốt chửng”. Nếu sự hoang phế của đền Chavin de Huantar khó giải thích thì với thị trấn Pasco nếu có biến mất thì rất rõ ràng là do con người.
Shaman là một dạng thầy pháp của những người thổ dân bên dãy Andes.
Nữ nghị sĩ Gloria Ramos Prudencio nung nấu ý định di dời toàn bộ thị trấn này đi nơi khác “trước khi thảm họa xảy ra”. Thị trấn với dân số 70.000 người, nằm ở độ cao 4.300m trên một vùng đất cằn cỗi được coi là thị trấn cao nhất thế giới. Tuy bề mặt cằn cỗi nhưng phía dưới, đây lại là nơi có nhiều khoáng sản quý.
Chính vì thế nó đã thu hút nhiều công ty tới khai thác, làm cho vùng đất này biến dạng, cuộc sống của người dân không bao giờ được yên tĩnh: ô nhiễm tăng cao cùng với nhiều tệ nạn xã hội theo chân những người từ nơi khác đến du nhập vào. Chất độc từ các mỏ thải ra khiến người già và trẻ em phát sinh nhiều loại bệnh tật.
Cerro de Pasco là một trong những vùng bị ngộ độc chì nặng nhất trên thế giới. Còn các mỏ đá lộ thiên hoạt động dữ dội suốt ngày đêm, khiến cho thị trấn bị bao phủ bởi bụi và đinh tai nhức óc vì tiếng ồn. Những công ty khai thác đồng và bạc cũng góp phần vào sự ô nhiễm của thị trấn. Hóa chất xử lý khoáng sản thô chảy tràn ra các con suối và thẩm thấu vào nguồn nước ngầm. Nguồn nước bề mặt thay vì màu xanh trong đã dần chuyển thành màu da cam. Người ta phải mua nước sinh hoạt đắt gấp 25 lần so với giá nước ở thủ đô Lima.
Kể từ năm 1996, Bộ Y tế Peru phải tiến hành lấy mẫu máu nhiễm chì của trẻ em ở Cerro de Pasco 2 lần một năm. “Nơi này là Chernobyl” - Paul Rodriguez, một bác sĩ nói và cho biết, những đứa trẻ có vệt màu xanh trên nướu răng- dấu hiệu nhiễm độc chì nặng là không hiếm.
Alex- một công dân thị trấn cho biết, đứa con trai 3 tuổi tên là Yober của anh trong 1 tháng đã phải vào bệnh viện tới 3 lần do nhiễm độc chì. Bệnh viện trả nó về vì không có thuốc chữa. “Vì con, tôi muốn bán ngôi nhà này và rời đi nhưng không ai mua”- người này nói.