Hoa sen
Sen là loài hoa hết sức đặc biệt, bởi vẻ đẹp tinh khôi của nó lại được sinh ra từ bùn lầy. Đó là điều không loài hoa nào có được. Hoa sen có ở Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, một số nước châu Phi, châu Mỹ… Ở bất cứ quốc gia nào thì sen cũng là loài hoa được trân trọng.
1. Sen nở hoa theo mùa, chỉ rộ lên vào một mùa duy nhất trong năm, kéo dài chừng 2 tháng. Trước đó, chúng ẩn thân trong bùn lầy, nhổ dần lên mặt nước, bung ra những chiếc lá xanh mơn mởn, sau đó mới có búp hoa rồi nở xòe những cánh hoa lộng lẫy.
Sen là loài hoa cực đẹp trong tự nhiên, vì thế nó đã được người ta trồng làm cảnh trong ao nhà, kể cả ở một chậu đất ẩm (sen cạn). Sen không chỉ đẹp lúc mãn khai mà nó cũng đem tới vẻ đẹp khác lạ “đầy tâm trạng” khi tàn, người ta gọi là “dã liên”- sen tàn.
Sen vàng.
Không chỉ để làm cảnh hoặc ướp trà, trong y học cổ truyền, sen còn có tác dụng như một loài thảo dược. Cánh hoa được sử dụng để ngâm bồn tắm trị liệu, rất hiệu quả trong thư giãn tinh thần, loại bỏ tế bào da chết trên cơ thể, tái tạo khiến làn da tươi mát. Tinh dầu được chiết xuất từ cánh hoa sen trắng được dùng dưỡng da với tác dụng lưu thông khí huyết. Món cháo được nấu với cánh hoa sen phơi khô cũng có tác dụng làm trắng da, đen tóc, làm chậm quá trình lão suy, chữa thiếu máu, nếu sử dụng liên tục trong vòng từ 10-15 ngày.
Hạt sen được cho là rất quý khi chứa nhiều chất chống oxy hóa, ngăn ngừa tác động có hại của các gốc tự do trong cơ thể. Hạt sen còn có tác dụng phục hồi protein trong cơ thể người bị tổn thương, giúp cho làn da luôn trẻ trung. Hạt sen còn có tác dụng bổ thận, an thai. Tương tự , tâm sen có tác dụng an thần, dưỡng tâm, được dùng phổ biến trong trị chứng mất ngủ. Tâm sen là chồi mầm nằm trong hai lá mầm của hạt sen, có màu xanh, tên thuốc y học cổ truyền gọi là “liên tâm” hay “liên tử tâm”. Khi mất ngủ, lúc hồi hộp, lo âu, nhịp tim rối loạn, người ta thường dùng tâm sen. Tuy nhiên, y học cổ truyền cũng cảnh báo không nên dùng tâm sen thời gian dài vì rất có thể ảnh hưởng không tốt tới chức năng sinh lý, làm giảm ham muốn tình dục, mệt mỏi, đãng trí hay quên.
Sen trắng.
Lá sen cũng được dùng để chữa mất nước cho cơ thể khi bị tiêu chảy, phòng chống béo phì, uống thay trà để giải nhiệt, làm mát khi dùng một lá sen tươi nấu cháo cùng gạo tẻ và đậu xanh. Củ sen chứa nhiều khoáng chất như kẽm, mangan, magie, sắt, đồng… có vai trò quan trọng trong hoạt động của các enzim, giúp tái sinh các tế bào máu, cải thiện chức năng miễn dịch. Trong củ sen cũng có rất nhiều chất xơ tự nhiên, giúp giảm lượng cholesterol trong máu, giúp hỗ trợ tiêu hóa và giảm cân.
Cuối cùng là ngó sen, được sử dụng như một thực phẩm thông dụng trong chế biến các món gỏi, ăn lẩu, ăn sống, xào… Nó có vị ngọt mát, tác dụng tiêu ứ máu, thanh nhiệt. Phụ nữ sau khi sinh ăn những món chế biến từ ngó sen rất bổ dưỡng.
Nói chung, tất cả các bộ phận của sen đều có tác dụng tốt, không phải loài hoa nào cũng có được.
Sen hồng.
2. Sen có nhiều loại, thường được gọi theo màu, là sen hồng, sen trắng, sen vàng. Sen xanh cũng có nhưng rất hiếm. Tùy theo tâm tính mỗi người mà thích loại sen nào hơn.
Sen là loài hoa phổ thông nhưng do tính thanh cao (mọc lên từ bùn lầy- “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”) và vẻ đẹp độc đáo nên đã trở thành đề tài cho văn thơ nhạc họa, và cả kiến trúc. Đối với nhà Phật, hoa sen cũng được cho là biểu tượng của sự cao cả với nhiều đặc tính đáng trân trọng. Thứ nhất là sự “vô nhiễm”, từ bùn nhưng không có mùi bùn. Tiếp đó là “trừng thanh”- chỗ nào có sen mọc thì chỗ đó nước không bao giờ đục. “Kiên nhẫn”- củ sen nằm trong bùn rất lâu chờ ngày nẩy mầm. “Hành trực”- thân ngay thẳng.
Hoa quỳ.
Trong thực tế, có hai loài hoa gần với sen, đó là quỳ và súng. Người ta khó phân biệt giữa hoa quỳ với hoa sen, kể cả khi để gần nhau. Cách phân biệt là hoa sen có hình dạng bầu bĩnh, vuốt tròn theo hướng từ dưới lên trên. Hoa quỳ cũng vuốt tròn từ dưới lên trên, nhưng dài hơn. Quỳ chỉ có duy nhất lớp cánh dài bên ngoài, lớp cánh mỏng bên trong không có. Sen dày bông hơn, khi còn là nụ, nếu bóp nhẹ vào bông hoa sẽ cảm nhận rõ độ dày của những cánh hoa bên trong, còn với hoa quỳ, vì ít cánh nên bông hoa tương đối mềm. Hoa quỳ được hái từ lúc còn non, càng cắm cánh hoa sẽ càng thâm lại, rồi rơi rụng dần cho đến khi chỉ còn lại phần nhụy hoa. Hoa sen nở bền hơn.
Với hoa súng, cũng mọc từ bùn lầy nhưng cuống không vươn thẳng, khi lên cao sẽ ngả xuống. Hoa súng có ở nhiều nơi trong đất nước ta nhưng nhiều nhất và đẹp nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hoa súng thường có màu tím và màu trắng, đều rất đẹp. Mùa nước nổi, nước dâng cao tới đâu thì súng vươn cao tới đó. Nước lũ, hoa súng đơm bông kết trái rồi thả hạt giống theo dòng nước phát tán muôn nơi…