Trị 'bệnh' tha hóa quyền lực
Việc Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM công bố kỷ luật, cảnh cáo đối với một số lãnh đạo, cán bộ thuộc huyện Hóc Môn là dẫn chứng mới nhất về xử lý nghiêm các sai phạm của cán bộ, công chức. Về bản chất, cho thấy sự tha hóa của quyền lực đang là gốc rễ gây ra tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Muốn phòng, trị “bệnh” tha hóa quyền lực thì phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, minh bạch trước sự giám sát của nhân dân.
Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Tuấn Tài vừa bị kỷ luật cảnh cáo.
Năm 2016 được coi là năm mà Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tỏ rõ quyết tâm chống tham nhũng khi chỉ đạo việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Nhiều vụ tiêu cực, đại án tham nhũng lớn được phanh phui và xét xử nghiêm minh, trong đó có vụ án đã thành lập cả một Ban Chỉ đạo để xử lý, được dư luận, người dân đồng tình, hoan nghênh. Cũng từ đó, uy tín của Đảng được củng cố, niềm tin của người dân vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tăng lên.
Trong những tháng cuối năm nay, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng quyết tâm đưa 6 vụ đại án tham nhũng ra xét xử.
Đáng chú ý, hầu hết các vụ đại án tham nhũng, lãng phí đều liên quan đến sự tha hóa của quyền lực khi hầu hết các bị cáo là lãnh đạo, cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước cấp trung ương và cả địa phương.
Các hành vi tham nhũng, lãng phí bao gồm “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Tham ô tài sản”; “Rửa tiền” của cả 6 vụ án đều là các hành vi được thực hiện bởi những người có chức có quyền.
Số tiền tham nhũng, lãng phí lên tới hàng ngàn tỷ đồng, nhất là tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gây bức xúc dư luận. Điển hình như các vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty In, Thương mại và Dịch vụ Agribank; Vụ “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam; Vụ “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin;…
Ngay thời điểm tháng 11 năm nay, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thường trực Thành ủy TP HCM về chống tham nhũng, lãng phí, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM cũng đã lần đầu xử lý kỷ luật, công khai thông tin báo chí đối với các lãnh đạo huyện ủy, UBND, HĐND và lãnh đạo cấp phòng/ban của huyện Hóc Môn do liên quan đến các sai phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Tất cả các diễn biến, chuyển động thực tế cho thấy quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống tham nhũng, mà biểu hiện cụ thể là Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.
Nghị quyết một lần nữa cho thấy chống tham nhũng, lãng phí là cuộc chiến sống còn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt hệ trọng tới cả sự tồn vong của chế độ. Nghị quyết đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức-lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Tham nhũng - lãng phí, mà biểu hiện phổ biến là sự tha hóa của quyền lực đã được thể hiện rất rõ trong suốt 10 năm qua khi cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh. Chỉ trong một thời gian không dài, nhưng cả nước đã phát hiện, xử lý 918 người đứng đầu và cấp phó do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác đối với gần 310.700 lượt cán bộ, công chức, viên chức.
Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ đại hội XI của Đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 2.957 đảng viên có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, thi hành kỷ luật 1.143 đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng; cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật 3.730 đảng viên. Cơ quan điều tra đã khởi tố 3.337 vụ án/7.789 bị can; Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố 2.270 vụ/6.480 bị can; Tòa án nhân dân đã xét xử 2.536 vụ án/5.749 bị cáo về các tội danh tham nhũng.
Thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế gây ra được phát hiện cũng được đánh giá là rất nghiêm trọng, với khoảng 59.750 tỷ đồng và trên 400 héc ta đất. Tuy nhiên, số tiền đã khắc phục và thu hồi chỉ vào khoảng 4.676 tỷ đồng và trên 219 héc ta đất.
Việc nhiều vụ tham nhũng, lãng phí liên quan đến người có chức, có quyền đã đặt ra một thực tế rất nghiêm túc về sự tha hóa của quyền lực. Cũng bởi vậy, Nghị quyết số 04-NQ/TW đã thẳng thắn chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng - chính trị, là ngọn nguồn dẫn tới sự tha hóa quyền lực đối với những người có chức có quyền.
Đó là các biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm, thậm chí, khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.
Mới đây, khi góp ý vào Dự thảo Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra rằng, tham nhũng chính là hệ quả của quyền lực bị tha hóa.
Đó là bởi vì hầu hết các vụ án tham nhũng được phanh phui thời gian gần đây đều có liên quan đến lợi dụng quyền lực, lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ. Và, rõ ràng phải có cơ chế để xử lý cái gốc nêu trên của nạn tham nhũng. Tuy nhiên, để kiểm soát tham nhũng thì cũng không thể chỉ nói bằng lời được.
Người dân kỳ vọng quyết tâm của Đảng và Nhà nước chống tham nhũng, lãng phí phải được thực hiện đúng theo tinh thần Hiến pháp 2013, khi quy định Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, đảng viên hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.
Nghĩa là, phải có cơ chế để người dân giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước các cấp. Đây là một câu hỏi đặt ra, đòi hỏi chúng ta cần giải quyết thỏa đáng, khi làm được điều này thì nhân dân sẽ tham gia giám sát tích cực hơn.
Cùng với người dân thì công tác giám sát về phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Quốc hội và HĐND các cấp cần được thực hiện bằng một cơ chế rõ ràng, minh bạch và phải được thực hiện thường xuyên, tránh hình thức.
Nhất là cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phải được phát huy cao nhất. Bởi vì chỉ khi nào phát huy được vai trò của các cơ quan dân cư, đoàn thể chính trị - xã hội thì cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí mới huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.