Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 1982/QĐ-TTg, phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF). Việc Chính phủ ban hành VQF nhằm phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia.
Kĩ năng thực hành của người học vẫn là vấn đề chưa được tháo gỡ.
Chuẩn hóa trình độ hòa nhập quốc tế
VQF được Chính phủ ban hành ngoài mục tiêu phân loại, chuẩn hóa năng lực, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, còn để thiết lập cơ chế kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của bên sử dụng lao động với hệ thống các trình độ đào tạo thông qua các hoạt động đào tạo, đo lường, kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng.
VQF còn sử dụng làm căn cứ để xây dựng quy hoạch cơ sở giáo dục, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cho các ngành, nghề ở các bậc trình độ và xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực.
Khung trình độ quốc gia Việt Nam được áp dụng đối với các trình độ được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học, đồng thời được xây dựng với cấu trúc 8 bậc, từ bậc 1 đến bậc 8 tương ứng với sơ cấp bậc I, II, II đến bậc VIII là trình độ tiến sĩ.
Chuẩn đầu ra của các bậc trình độ bao gồm: Kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết; kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử; mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Cùng với đó là khối lượng học tập tối thiểu, được tính bằng số tín chỉ người học phải tích lũy cho mỗi trình độ; Văn bằng, chứng chỉ là văn bản công nhận kết quả học tập của một cơ sở giáo dục đối với một cá nhân sau khi kết thúc một khóa học, đáp ứng chuẩn đầu ra do cơ sở giáo dục quy định. Theo đó sẽ tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Đặc biệt, việc ban hành VQF còn nhằm thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực.
Chưa có bằng vẫn được công nhận
Theo quy định của Quyết định 1982, người đạt trình độ bậc 1, 2, 3 tương đương với trình độ sơ cấp I, II, III. Bậc 4 là để xác nhận trình độ đào tạo trung cấp cho người học có kiến thức thực tế và lý thuyết cần thiết trong phạm vi của một ngành, nghề đào tạo; kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật và công nghệ thông tin; kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để thực hiện các công việc có tính thường xuyên hoặc phức tạp, làm việc độc lập hay theo nhóm trong điều kiện biết trước và có thể thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân, và trách nhiệm đối với nhóm, có năng lực hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện công việc đã được định sẵn. Bậc 4 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 35 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, 50 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
Người học sẽ được xác nhận trình độ đào tạo cao đẳng khi có kiến thức thực tế, kiến thức lý thuyết rộng về một ngành, nghề đào tạo; kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật và công nghệ thông tin; có kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để giải quyết những công việc hoặc vấn đề phức tạp, làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm hướng dẫn tối thiểu, giám sát, đánh giá đối với nhóm thực hiện những nhiệm vụ xác định. Với bậc học này yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ.
Bằng tốt nghiệp đại học sẽ được cấp cho người học có kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết toàn diện, chuyên sâu về một ngành đào tạo, kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị và pháp luật; có kỹ năng nhận thức liên quan đến phản biện, phân tích, tổng hợp; kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp; làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm trong việc hướng dẫn, truyền bá, phổ biến kiến thức, thuộc ngành đào tạo, giám sát người khác thực hiện nhiệm vụ. Yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu của bậc học này là 120 tín chỉ.
VQF xác định bậc trên đại học phải là người có kiến thức thực tế, kiến thức lý thuyết sâu, rộng ở mức độ làm chủ kiến thức trong phạm vi của ngành đào tạo; có kỹ năng phản biện, phân tích, tổng hợp và đánh giá dữ liệu, thông tin một cách khoa học và tiên tiến; kỹ năng nghiên cứu phát triển, đổi mới và sử dụng các công nghệ phù hợp trong lĩnh vực học thuật và nghề nghiệp; kỹ năng truyền bá, phổ biến tri thức trong các lĩnh vực chuyên môn, có khả năng tự định hướng, thích nghi với môi trường nghề nghiệp thay đổi; có khả năng hướng dẫn người khác thực hiện nhiệm vụ và khả năng quản lý, đánh giá, cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động nghề nghiệp.
Với người muốn được công nhận trình độ bậc 7 thì yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp đại học.
Tuy nhiên, đối với những người có bằng tốt nghiệp đại học chương trình đào tạo có khối lượng học tập tối thiểu 150 tín chỉ, đáp ứng chuẩn đầu ra tương đương bậc 7 nhưng chưa được cấp bằng thạc sĩ vẫn được công nhận có trình độ tương đương bậc 7.
Cuối cùng là bậc 8 là trình độ tiến sĩ được cấp bằng cho người có kiến thức thực tế và lý thuyết tiên tiến, chuyên sâu ở vị trí hàng đầu của chuyên ngành đào tạo; có kỹ năng tổng hợp, phân tích thông tin, phát hiện và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo; có kỹ năng tư duy, nghiên cứu độc lập, độc đáo, sáng tạo tri thức mới; có kỹ năng truyền bá, phổ biến tri thức, thiết lập mạng lưới hợp tác quốc gia và quốc tế trong quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn; thể hiện năng lực sáng tạo, có khả năng tự định hướng và dẫn dắt chuyên môn, khả năng đưa ra các kết luận, khuyến cáo khoa học mang tính chuyên gia.
Yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 90 tín chỉ đối với người có bằng thạc sĩ, tối thiểu 120 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp đại học.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 4 cấp: mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. So với khung hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành từ năm 1993, khung mới này không thay đổi về thời gian học tập ở các cấp mầm non, giáo dục phổ thông. Thay đổi đáng chú ý là việc phân loại đào tạo ở bậc đại học theo định hướng nghiên cứu và đại học theo định hướng ứng dụng. Thời gian đào tạo bậc đại học đã rút ngắn từ 4-6 năm xuống còn 3-5 năm. Thời gian đào tạo cao đẳng thay vì 3 năm, nay là 2-3 năm. Bậc cao học trước đây đào tạo 2 năm, nay quy định linh hoạt từ 1-2 năm, dù là thạc sĩ định hướng nghiên cứu hay định hướng ứng dụng. Riêng đối với bậc tiến sĩ, trước kia nếu xong cao học, người học chỉ cần học 2 năm tập trung nhưng nay tăng thành 3 năm; với người có trình độ đại học thì thời gian đào tạo tiến sĩ vẫn là 4 năm. Lam Nhi |