Công tác cai nghiện tập trung: Cơ sở xuống cấp, quản lý bất cập

Lan Hương (thực hiện) 10/11/2016 08:50

Không phải là địa bàn trọng điểm về ma túy, thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn Trung tâm cai nghiện Phú Xuyên (Đồng Nai) liên tiếp xảy ra tình trạng các học viên phá trại gây mất trật tự xã hội, khiến người dân lo lắng. Thực trạng này gióng lên hồi chuông về việc quản lý tại các trung tâm cai nghiện tập trung hiện nay. Xung quanh vấn đề này PV Báo Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm.

Công tác cai nghiện tập trung: Cơ sở xuống cấp, quản lý bất cập

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm.

PV:Xin Thứ trưởng cho biết tình hình tệ nạn ma túy hiện nay?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Tệ nạn ma túy vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất và mức độ ngày càng khó kiểm soát.

Không chỉ nghiện các loại ma túy truyền thống như moóc phin, cần sa, hêrôin, nhiều người, nhất là giới trẻ đang tìm đến ma túy tổng hợp và các chất gây nghiện mới như một trào lưu.

Có những địa phương có tới 70% những người nghiện sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp rồi cùng một lúc sử dụng hai loại, ba loại ma túy. Đấy là điều đáng lo ngại. Ma túy tổng hợp, ma túy đá tạo ra những ảo giác và từ ảo giác đó tạo ra những hành vi rất nguy hiểm cho xã hội.

Phải chăng đây cũng là nguyên nhân khiến các học viên ở Trung tâm Cai nghiện Phú Xuyên (Đồng Nai) phá trại liên tiếp trong một thời gian ngắn?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc các học viên trốn trại. Trước hết là do cơ sở vật chất nơi hỗ trợ điều trị cũng như tiếp nhận tạm thời cho các học viên còn chưa đồng bộ.

Nhiều trung tâm quá cũ, xuống cấp. Hơn nữa các trung tâm này lại thường xuyên quá tải. Cụ thể là Trung tâm Cai nghiện Phú Xuyên (Đồng Nai) có sức chứa khoảng 800 học viên nhưng lại tiếp nhận khoảng 1.500 người. Điều này khiến cho tình hình ăn uống, sinh hoạt không được đảm bảo, học viên bức xúc.

Trước đây cũng từng xảy ra các vụ trốn trại, nhưng học viên chỉ đập phá, trốn trại đơn thuần, nhưng nay học viên nghiện ma túy đá còn có hành vi nguy hiểm hơn như còn leo lên cả cây cối, leo lên cột điện, leo lên mái nhà… la hét kích động làm mất an ninh trật tự ở các khu vực lân cận.

Việc phân loại đối tượng nghiện cũng rất quan trọng nhưng khâu này dường như chưa được các cơ sở chú trọng. Đối với các đối tượng vẫn có gia đình riêng mà lại xếp họ vào đối tượng không có nơi cư trú ổn định rồi không đưa họ về địa phương để chấp hành xử phạt theo vi phạm hành chính mà giữ họ lại ở trung tâm khiến cho số lượng đối tượng này quá lớn dẫn đến tình trạng quá tải. Vì thế, chuyện học viên trốn trại, đập phá như ở Trung tâm Phú Xuyên thời gian gần đây là chuyện không thể tránh khỏi.

Như vậy cho thấy, công tác quản lý cai nghiện tập trung hiện nay đã tồn tại nhiều bất cập và không hiệu quả không cao, thưa ông?

- Thực tiễn quá trình triển khai công tác cai nghiện tập trung cũng cho thấy, sau thời gian cai nghiện tại trung tâm về cộng đồng phần lớn tái nghiện, do đó chúng ta đã phải đổi mới phương pháp cai nghiện là xã hội hóa công tác cai nghiện trong đó khuyến khích các địa phương triển khai công tác cai nghiện tại cộng đồng bằng phương pháp cắt cơn và sử dụng thuốc Methadol.

Thống kê từ các địa phương cho thấy có tới 45% số người dùng Methadol sau 2 năm không quay lại nghiện ma túy. Tuy nhiên làm ở cộng đồng vẫn tồn tại những bất cập nên kết quả chưa được như mong muốn.

Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng trong đó phần lớn do điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí còn hạn hẹp nên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai. Nhất là hiện nay nguồn tài trợ thuốc cắt cơn Methadol không còn nữa thì công tác cai nghiện cộng đồng càng khó khăn hơn.

Từ vụ việc tại này, theo ông bài học nào được rút ra cho các trung tâm cai nghiện hiện nay?

- Qua sự việc này có nhiều vấn đề phải quan tâm và điều chỉnh. Trước hết các cán bộ ở các trung tâm cần phải giúp các học viên hiểu được rằng, chúng ta đưa họ vào đây để giúp đỡ họ chứ không phải là họ bị giam hãm, để từ đó tạo tâm lý ổn định cho các học viên yên tâm điều trị.

Để làm được điều này thì mỗi cán bộ cần phải nâng cao năng lực, phải thân thiện gần gũi trò chuyện với các học viên. Điều này khá đơn giản, nhưng nhiều nơi các cán bộ không làm được.

Có nơi chúng tôi đi kiểm tra cán bộ ở trung tâm, người có nhiệm vụ lo ăn uống thì chỉ lo ăn uống, bộ phận y tế thì lo cấp thuốc, còn bộ phận bảo vệ chỉ lo không để học viên ra ngoài…

Trong khi đó những học viên đang trong quá trình cai nghiện rất cần sự tư vấn, định hướng thì lại không có, dần dà họ nảy sinh tâm lý không muốn chia sẻ, sống khép kín và chỉ cần một, hai đối tượng kích động là họ sẵn sàng chống, phá.

Ngoài ra công tác sàng lọc đối tượng rất quan trọng. Đối tượng nào cần cai nghiện bắt buộc thì phải sắp xếp nơi ăn ở cho phù hợp với các học viên, tránh việc bị các học viên kích động, lôi kéo để trốn trại.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Lan Hương (thực hiện)