'Xây' hành lang pháp lý cho doanh nghiệp phát triển
Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Làm sao có chính sách giúp cho khối doanh nghiệp này, không trông chờ, ỉ lại là vấn đề được các ĐBQH tập trung phân tích.
ĐBQH Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang) thảo luận tại tổ.
Có nên ban hành Luật?
Đó là vấn đề được các ĐB đặt ra bởi hiện nay đã có quá nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Kinh tế cho biết, đa số ý kiến bày tỏ đồng tình với tờ trình của Chính phủ về việc cần thiết ban hành luật.
Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, hiện đã có rất nhiều luật, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ DNNVV, nhưng do còn thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, tổ chức thực hiện chưa tốt nên việc hỗ trợ không có hiệu quả.
Các ý kiến chưa đồng tình cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, điều cốt lõi nhất là tạo mọi thuận lợi để DN tư nhân, kể cả DN lớn phát triển, trong đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa DNNVV và vừa với DN lớn để tạo thành chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng chứ không nên cắt khúc, hỗ trợ riêng cho khu vực DNNVN. Những hạn chế nêu trong tờ trình của Chính phủ chưa đủ là lý do để ban hành Luật.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, chính sách hỗ trợ cho DNNVV và các thành phần kinh tế khác là có thời hạn và ở thời điểm nhất định. Vậy có cần thiết ban hành luật hay không? Bởi theo bà Mai, vì hỗ trợ là chỉ diễn ra trong một thời gian, còn khi đã thành Luật thì mang tính lâu dài.
“Nếu áp dụng lâu dài có đảm bảo nguyên tắc hay không, khi Nghị quyết của Đảng đã xác định bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo thuận lợi để các DN vươn lên. Vì thế nên hạn chế hỗ trợ về mặt tài chính mà nên hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, cho nên ban hành văn bản dưới luật thì tốt hơn vì chính sách hỗ trợ đã có ở Luật Đầu tư, và Luật DN. Đây là luật liên quan đến nhiều luật nhưng có nhiều cái chưa thống nhất trong hỗ trợ về tài chính, thuế, đất đai. Để đảm bảo tính minh bạch và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cần thận trọng khi ban hành luật”- bà Mai bày tỏ.
Cùng quan điểm, ĐB Lê Quân- Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng, làm sao tháo gỡ khó khăn nhưng phải tăng cường năng lực cho đơn vị cung ứng, khởi nghiệp, vườn ươm DN, công nghệ, phải khuyến khích DN tăng trưởng chứ cứ hỗ trợ như vậy khiến DN siêu nhỏ chưa chịu lớn vì sợ thuế, sợ lớn không được hỗ trợ dẫn đến có 1 cơ sở mà có 3 cơ sở kinh doanh.
Cho nên chỉ tập trung hỗ trợ trong 3 năm đầu vì lúc ban đầu thì khó khăn, còn về sau để DN phát triển đóng góp vào tạo việc làm, đổi mới sáng tạo chứ không cào bằng để làm sao hướng tới hỗ trợ theo sản phẩm kích hoạt chứ không nên hỗ trợ rộng. Do đó không nhất thiết phải ban hành luật mà để ở văn bản dưới luật.
Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) cho rằng, Luật hỗ trợ DNNVV là cần thiết vì DN là động lực quan trọng của nền kinh tế. Thủ tướng đã nêu quyết tâm đến năm 2020 toàn quốc có 1 triệu DN nên ban hành luật là thực sự cần thiết.
DNNVV có rất nhiều khó khăn về vốn, đất đai, lao động, sự nhũng nhiễu của cán bộ công chức, nổi lên khó khăn nhất là vốn. DN phải đảm bảo rất nhiều thủ tục và có tài sản thế chấp, hết sức khó khăn. Nên cần chính sách bảo lãnh tín dụng cho DN.
Doanh nghiệp cần công khai, minh bạch trong chính sách
Điều mà các ĐB quan tâm chính là bây giờ làm sao có chính sách hỗ trợ để DN lớn mạnh chứ không phải bé mãi để “nằm ỉ lại” chờ hỗ trợ. Bởi ban hành Luật này tác động đến ngân sách vì theo Chính phủ báo cáo là giảm thu 13 ngàn tỷ đồng, nhưng thực tế theo thống kê là hơn 20 ngàn tỷ đồng.
Chủ trương của Đảng là khi ban hành chính sách không được làm giảm thu ngân sách trong bối cảnh ngân sách khó khăn nên cần xem xét thêm, trong khi chưa thấy nguồn lực từ chỗ nào trừ việc hỗ trợ về thuế, đất đai, cho nên tính khả thi chưa cao.
ĐB Lâm Đình Thắng (TP HCM) cho rằng, qua quá trình nghe các DN góp ý cho luật này thấy có tâm lý của nhiều DN là ủng hộ về mặt nội dung của Luật nhưng không tin tưởng hoàn toàn vào việc khả thi của luật trên thực tế. Các DN nói luật là hỗ trợ nhưng thực tiễn có phải là xin - cho hay không? Niềm tin của DN với Luật này không là tuyệt đối khi luật đi vào cuộc sống.
Do đó khi Luật và Nghị định được ban hành, việc triển khai phải theo cách khác thay vì ban hành theo cơ chế hành chính thông thường; cần thông tin rộng rãi để cộng đồng DN biết được từng điều khoản qua đó tận dụng được quyền của mình, các cơ quan nhà nước biết nhiệm vụ của mình để hỗ trợ DN.
Theo ông Thắng, Luật quy định DN có quyền phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền về các hành vi vi phạm hoặc gây cản trở hoạt động sản xuất, quy định như vậy là không đầy đủ vì không được quyền khiếu nại và tố cáo. Như vậy không bảo vệ được DN do vậy DN không có niềm tin.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Ngọ Duy Hiểu nhìn nhận, chính sách hỗ trợ cho DNNVV như chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo. Rồi ĐB dẫn chứng: Vừa qua tôi đi kiểm tra thực tế hộ nghèo thấy gia đình khá giả lại nằm trong hộ nghèo, ta tin tưởng nông dân là người trung thực mà còn lợi dụng chính sách như vậy, không cẩn thận DN “không muốn lớn” để được hỗ trợ mãi, làm giảm thu ngân sách. “Các DN chỉ cần nhà nước công khai, minh bạch mọi thứ là hạnh phúc lắm rồi; từ đấu thầu không bị quân xanh quân đỏ, cho đến khi làm các thủ tục tài chính không bị hành”- ông Hiểu cho hay.
Theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), hiện nay khó khăn nhất của DN là vấn đề về đất đai, vốn. Trong Luật lần này đã có nhiều khoản quan tâm để tháo gỡ vấn đề đang tồn tại. Tuy nhiên, tiêu chí để xác định DNNVV thì không phù hợp.
Trước đây tiêu chí trong Dự thảo luật đã sử dụng cách đây trên 10 năm thì điều kiện sản xuất của DN và điều kiện nền kinh tế của chúng ta đã khác so với giai đoạn hiện nay. Nếu chúng ta xác định quy mô vốn và lao động như trước đây thì không có ý nghĩa như giai doạn hiện nay áp dụng.
Do đó xương sống của Luật lần này phải xác định tiêu chí mang tính đại diện, phù hợp với giai đoạn hiện nay, giúp cho DN được hỗ trợ đều nằm trong tính đại diện và đúng là đối tượng được hỗ trợ.
“Hiện nay, tại địa phương chúng tôi cũng rà soát các DN theo các tiêu chí như Dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội, thì không có nhiều DN nằm trong đối tượng DNNVV. Đây là yếu điểm mà Dự thảo Luật cần phải nghiêm túc xác định lại tiêu chí một cách phù hợp hơn mang tính đại diện để DNNVV đều có thể tiếp cận được các cơ chế chính sách mà Dự thảo Luật sắp ban hành”- bà Tuyết nói.
Trình Quốc hội việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận Ngày 9/11, chương trình kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV đã có sự thay đổi. Theo đó chiều nay (10-11) Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sẽ trình Dự thảo nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết. Nội dung này Quốc hội họp riêng. Theo đó, chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội khoá XII thông qua vào cuối năm 2009. Dự án gồm 2 nhà máy. Mỗi nhà máy có 2 tổ máy, công suất 2.000 MW. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Tuy nhiên kết quả giám sát cuối năm 2015 cho biết, do nhiều nguyên nhân, thời gian lập dự án đầu tư (FS) của Dự án này sẽ kéo dài thêm khoảng 2 năm và tiến độ tổng thể của dự án cũng phải điều chỉnh so với dự kiến ban đầu. Theo đó, việc phê duyệt FS sẽ diễn ra vào tháng 3/2016, đến tháng 11/2019 phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tháng 2/2021 ký hợp đồng EPC. Việc khởi công dự kiến vào tháng 12/2022, đến tháng 7/2028 sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1; và 1 năm sau sẽ vận hành thương mại tổ máy số 2. |