Doanh nghiệp không muốn 'lớn'

Minh Phương 11/11/2016 09:05

Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp. Chính phủ cũng đưa ra những cam kết sẽ tạo điều kiện để các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ có cơ hội phát triển thành doanh nghiệp và như vậy, con số 1 triệu doanh nghiệp theo mục tiêu hoàn toàn không khó. Tuy nhiên, dường như tâm lý e ngại “lớn” lên thành doanh nghiệp vẫn đang đeo đẳng nhiều hộ kinh doanh, mà nguyên nhân lớn nhất vẫn là ngại… các thủ tục hành chính.

Nếu môi trường kinh doanh vẫn còn những “điểm nghẽn” thì cộng đồng DN rất khó mở rộng quy mô. Ảnh: TL.

Hộ kinh doanh không muốn thành lập doanh nghiệp

Doanh thu không đổi, mà lại phải gánh thêm nhiều loại thuế phí, mất nhiều thời gian và phải gặp nhiều hơn cơ quan thuế, hải quan… đây là lý do chính khiến nhiều thương nhân, hộ kinh doanh cá thể không muốn “lớn” thành DN.

Một trong những mục tiêu hướng tới của Chính phủ là đến năm 2020 cả nước sẽ có 1 triệu DN. Và đi kèm với mục tiêu này, thời gian qua, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh để khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể mở rộng quy mô sản xuất phát triển lớn thành DN.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều hộ kinh doanh cá thể đang có tâm lý e ngại, chỉ muốn kinh doanh nhỏ lẻ mãi mà không muốn lớn, không muốn thành lập DN.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thu Thủy, chủ một cửa hàng sản xuất, kinh doanh đồ nhựa gia dụng ở Gia Lâm (Hà Nội), cửa hàng hoạt động khoảng hơn chục năm trở lại đây, có doanh thu cũng khá, hoàn toàn có khả năng mở rộng quy mô phát triển thành DN. Tuy nhiên, nhiều năm qua cửa hàng vẫn chỉ hoạt động nhỏ lẻ, không muốn đăng ký thành lập DN vì “ngại va chạm”.

“Kinh doanh kiểu gì cũng phải nộp thuế, đó là nghĩa vụ của người làm kinh doanh, nhưng nếu đăng ký thành lập DN, còn rất nhiều thủ tục phải thực hiện, rồi còn phải biết “quan hệ” nếu không cũng khó lòng mà trụ vững, trong khi đó chưa chắc thành lập DN doanh thu đã cao lên. Đó còn chưa kể, nếu là hộ kinh doanh cá thể, kinh doanh chẳng may có rủi ro mà bị phạt thì cũng không bị phạt nhiều bằng DN, là DN thường bị phạt cao gấp đôi hộ kinh doanh” – bà Thủy trăn trở.

Trường hợp của bà Thủy không phải hiếm, hiện nhiều hộ kinh doanh cá thể cũng đang có tâm lý e ngại khi nói đến việc thành lập DN. Bởi, chưa chắc thành lập lợi nhuận đã cao hơn khi làm kinh doanh nhỏ lẻ, mà còn đối diện với nhiều thủ tục, rào cản rườm rà.

Ông Trần Anh Tuấn, một người làm kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ ở phố quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) cho biết, trước ông cũng có thành lập một DN tư nhân hoạt động được khoảng 2 năm với doanh thu xấp xỉ 1 tỷ đồng/ năm, nhưng làm ra được từng đó tiền thì chi trả lương cho công nhân và chi phí “bôi trơn” hàng tháng cũng hết.

“Mệt hơn là thường xuyên phải tiếp các cơ quan chức năng không kiểm tra vấn đề này lại kiểm tra vấn đề khác. Từ khi tôi tuyên bố phá sản công ty và thu mình lại làm ăn kinh doanh nhỏ, thấy nhẹ gánh hơn nhiều. Đủ ăn mà không phải lo các loại phí nọ, phí kia, thủ tục nọ thủ tục kia” – ông Tuấn cho biết.

Như vậy, có thể thấy, tâm lý của các hộ kinh doanh cá thể vẫn còn rất dè chừng khi nghĩ đến việc phát triển thành DN. Điều này, vô hình trung đang đi ngược với mục tiêu của Chính phủ hướng đến con số 1 triệu DN vào năm 2020.

Nhiều hộ kinh doanh đạt doanh thu lớn nhưng rất e ngại khi nghĩ đến thành lập doanh nghiệp.

Vẫn còn vấn nạn “phí bôi trơn”

Báo cáo Đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam - Kết quả điều tra DN nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2015 vừa được nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cho thấy, một trong những vấn đề đáng lưu ý là chi phí không chính thức của các DNNVV giảm không nhiều so với năm 2013.

Nếu như năm 2013 có gần 45% DN được hỏi cho biết có chi phí không chính thức thì con số này của năm 2015 nhỏ hơn một chút với mức 42,7%. Mức giảm này theo đại diện nhóm nghiên cứu là không đáng kể. Trong đó, đáng chú ý là DN trong khu vực chính thức chiếm tỷ lệ vượt trội (85% năm 2013 và 98% năm 2015).

Trong số các DN có chi ngoài, có tới 40% DN cho rằng khoản chi này sẽ tăng lên trong thời gian tới. Đáng chú ý, các DN thuộc khu vực chính thức có chi ngoài thường xuyên hơn nhằm mục đích để đối phó với cơ quan thuế và cán bộ thuế cũng như để tiếp cận được các dịch vụ công.

Điều này tiếp tục trở thành những rào cản lớn ngăn cản “ý chí” của các thương nhân, DN. Và đây cũng là lý do khiến cho phần lớn các DN nhỏ của Việt Nam không muốn mở rộng quy mô, các hộ kinh doanh cá thể không muốn “lớn”.

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, Chính phủ đang có rất nhiều động thái nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích các DN mở rộng hoạt động quy mô sản xuất, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện đăng ký thành lập DN.

Tuy nhiên, các chính sách, cơ chế không chỉ hỗ trợ, tiếp sức cho DN mà còn cần phải công bằng, làm sao hạn chế thấp nhất những bất công với DN, loại bỏ được thực trạng “đi đêm”, chi phí ngoài luồng… mới có thể động viên, khuyến khích được DN.

Nếu môi trường kinh doanh vẫn còn những “điểm nghẽn” như việc phải có “quan hệ”, hay phải có chi phí bôi trơn, nói như TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam “DN phải ngày làm kinh doanh, tối đi quan hệ”… thì cộng đồng DN rất khó mở rộng quy mô, theo đó, nền kinh tế cũng rất khó phát triển.

Minh Phương