Các trường cao đẳng sư phạm than khó
Hiện nay, nhiều trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nguyên nhân, nhiều sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm, trong khi đó, nhiều trường đại học (ĐH) ồ ạt tuyển sinh với mức đầu vào thấp nên thí sinh cũng chú trọng xét tuyển vào các trường ĐH.
Cổng trường CĐSP Bình Phước luôn rộng mở nhưng ít thí sinh đăng ký vào học.
Gặp “khó” trong công tác tuyển sinh
Vài năm trở lại đây, vấn đề tuyển sinh đầu vào của Trường CĐSP Bình Phước không còn được “thoải mái chọn lựa” như trước. Điều này có nguyên nhân bắt nguồn từ tình hình thực tế chung của cả nước và từ bối cảnh thực tế hiện nay của tỉnh Bình Phước.
Ông Nguyễn Thanh Phú- Hiệu trưởng Trường CĐSP Bình Phước cho biết: “Hàng năm các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh khá lớn nhưng tuyển sinh không đáp ứng quy mô đào tạo, một số ngành học không có hoặc rất ít sinh viên đăng ký vào học, làm cho các trường hoạt động cầm chừng. Cá biệt, có những ngành đào tạo hiện nay không tuyển sinh được như: Sư phạm Ngữ văn, Sử, Địa, Nhạc, Họa...”.
Đại diện Trường CĐSP Điện Biên cho biết: Hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh của trường khoảng từ 300 đến 400 sinh viên nhưng vẫn gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Ông Nguyễn Thanh Phú đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng các trường CĐSP gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Thứ nhất, trong vài năm trở lại đây, số lượng học sinh phổ thông đang có xu hướng giảm dần (nguồn cung đầu vào giảm). Hiện nay trên địa bàn cả nước có quá nhiều trường ĐH công lập và tư thục, số lượng tuyển sinh hàng năm quá lớn nên đã thu hút gần hết học sinh của tỉnh.
Đối với các trường ĐH tư thục không chỉ áp dụng thi tuyển mà còn xét tuyển qua học bạ, nên học sinh dễ dàng trúng tuyển vào ĐH, mở ra nhiều cơ hội lựa chọn và học tập cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Nhưng lại là một thách thức lớn đối với các trường nhất là khu vực chưa có trường ĐH trong việc cạnh tranh tìm nguồn đầu vào cho trường. Bài toán cân bằng nhu cầu của các trường (tức chỉ tiêu tuyển sinh) và nguồn cung từ lực lượng học sinh.
Thứ hai là sinh viên học trường CĐSP ở tỉnh rất khó tìm kiếm việc làm, lý do là họ không được tuyển vào công chức nhà nước. Xét trong bối cảnh tình hình thực tế hiện nay ở tỉnh Bình Phước sau một thời gian khủng hoảng thiếu giáo viên (những năm cuối thập kỉ 90 của thế kỉ XX) thì đến hiện nay số lượng giáo viên dôi dư trong toàn tỉnh, chủ yếu là dư thừa giáo viên THCS và THPT…
Tâm lí có học thì cũng không thể kiếm được một suất biên chế. Nguy cơ thất nghiệp là rất cao. Đó là chưa kể hiện nay có một bộ phận học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có xu hướng không thi ĐH mà xin đi học nghề, đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm lao động, làm công nhân trong các khu công nghiệp…
Thêm nữa, chất lượng đầu vào đều thấp, hầu như không có tính cạnh tranh trong tuyển sinh, do số lượng đầu vào luôn ít hơn chỉ tiêu được giao, đang có xu hướng giảm số lượng ở hầu hết ngành đào tạo sư phạm.
Còn nhiều bất lợi
Theo ông Phú, nhiều giáo viên, giảng viên được đào tạo có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ nhưng không có việc làm, không an tâm với công việc, xin chuyển đi các tỉnh khác. Trong bối cảnh hiện nay, quá trình dạy và học đối với sinh viên khối ngành sư phạm cũng đang phải đối mặt với những khó khăn mới.
Tâm lí sinh viên không ổn định, học sinh tốt nghiệp THPT ngại thi vào sư phạm đang là thực tế. Khảo sát sơ bộ cho thấy sinh viên sư phạm sau khi đã trúng tuyển vào trường học rồi, học được một học kì thường nghỉ bảo lưu kết quả học tập và xin thi lại vào ngành học khác (con số này cũng đang có xu hướng tăng lên). Chất lượng học tập đầu vào không cao khiến cho việc tiếp cận với phương pháp học tập của sinh viên cũng còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức các hoạt động dạy và học trên lớp cũng gặp khó khăn.
Bà Hồ Cảnh Hạnh- Hiệu trưởng Trường CĐSP Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ ra một số bất lợi mà các trường CĐSP đang gặp phải. Như sinh viên sư phạm khó tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp do đào tạo cung vượt cầu. Đồng thời tuyển dụng có quá nhiều bất cập, chẳng hạn như tuyển dụng viên chức theo quy định tại NĐ 29/CP làm cho đối tượng tốt nghiệp CĐSP địa phương thiệt thòi hay như giao việc tuyển dụng giáo viên cho cơ quan nội vụ, các cơ sở giáo dục hầu như đứng ngoài cuộc.
Bên cạnh đó, cơ chế tuyển sinh bất lợi cho các trường sư phạm, nhiều trường ĐH xét tuyển theo kiểu “lưới quét”; các trường ĐH đào tạo cả trình độ CĐ, TCCN, cho nên các trường Sư phạm thiếu nguồn tuyển. Cơ chế học phí, học bổng không còn phù hợp, hiện tượng có con em nhà nghèo vào sư phạm ra trường khó có điều kiện để xin được việc làm – thất nghiệp – tiếp tục nghèo là một thực tế.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh- Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Bắc Kạn cho rằng: Bộ GD&ĐT cần tìm ra các giải pháp để tháo gỡ cho các trường có đào tạo ngành sư phạm. Như cần có tổng điều tra về thực trạng giáo viên các cấp hiện nay trên toàn quốc để xem xét vấn đề giao chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm cho các trường; Nên giao chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm cho các trường công lập/ tỉnh để kiểm soát đầu ra của các ngành này, tránh đào tạo ồ ạt và thừa thãi; Kiểm tra, sát hạch chất lượng đội ngũ nhà giáo các cấp. Nên có sự đánh giá giáo viên các ngành học hiện nay.
Việc đào tạo ngành sư phạm ngày càng khó thì xu hướng đào tạo, bồi dưỡng lại cho giáo viên là rất cần thiết cho ngành giáo dục để đáp ứng yêu cầu thời đại mới. Bộ GD&ĐT cần giao trách nhiệm cho các trường công lập đào tạo sư phạm chức năng đào tạo, bồi dưỡng lại cho giáo viên các cấp. Đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng là cơ hội tạo việc làm cho các trường trong bối cảnh hiện nay.