Vung tiền cho rượu bia, người Việt phải chi nhiều cho chữa bệnh
Đây là một thông tin đáng buồn được các đại biểu đưa ra tại hội thảo "Góp ý Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” do Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức ngày 11/11 tại Hà Nội.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, chỉ trong 5 năm (2011-2015), tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới (độ tuổi 24 -64 tuổi) đã tăng từ 69,6% lên 80,3%; ở nữ giới tăng từ 5,6% lên 11,2%.
Trong số nam giới sử dụng rượu bia năm 2015 có 44,2% sử dụng rượu bia ở mức nguy hại và 47,9% điều kiển phương tiện cơ giới sau khi sử dụng rượu bia.
Đáng chú ý, từ năm 2005 - 2010, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người ở Việt Nam từ 15 tuổi trở lên tăng gấp đôi (từ 3,8 lít/người lên 6,6 lít/người). Việt Nam trở thành quốc gia có mức tiêu thụ bia đứng đầu các nước ASEAN và xếp thứ 3 châu Á.
Không chỉ chi phí cho tiền mua rượu bia lớn, người Việt phải chi tiền chữa bệnh do rượu bia khá cao.
Chi phí kinh tế trực tiếp cho điều trị 6 loại bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam trong đó có 5 bệnh liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú) lên tới hơn 25.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP năm 2012.
Gánh nặng kinh tế cho việc điều trị các bệnh ung thư đổ dồn lên hộ gia đình (42,4%); bảo hiểm y tế (27,7%) và chính phủ (17,1%)
Đề cập đến hậu quả của việc lạm dụng rượu, bia, bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh giám đốc HealthBridge Cannada tại Việt Nam cho biết, gánh nặng về bệnh tật và tử vong liên quan đến sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, hiện đang cao hơn so với mức trung bình của thế giới.
Hậu quả do rượu bia đem đến khá nặng nề song rượu bia ngày càng trở lên dễ mua hơn dù ở thành thị hay vùng núi hẻo lánh.
Từ thực trạng trên các đại biểu cho rằng, để kịp thời ngăn chặn “nạn dịch” rượu bia và những hệ lụy của nó tới đời sống kinh tế -xã hội và các thế hệ sau, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh lộ trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia; đề nghị Quốc hội sớm đưa Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia vào chương trình nghị sự xây dựng Luật năm 2017 của Quốc hội; nghiên cứu và xem xét việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá và rượu bia.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia cần có những điều khoản liên quan tới kiểm soát quảng cáo khuyến mại; tài trợ và kiểm soát bán lẻ.