Người tiêu dùng Trung Quốc chi 20 tỷ USD trong ngày hội mua sắm Độc thân

Linh Chi 12/11/2016 09:05

Cộng đồng người tiêu dùng Trung Quốc được dự kiến sẽ chi ra khoảng 20 tỷ USD trong sự kiện ngày Độc thân ở nước này, và dự kiến sẽ trở thành sự kiện đi mua sắm lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới.

Người tiêu dùng Trung Quốc chi 20 tỷ USD trong ngày hội mua sắm Độc thân

Lễ hội mua sắm ngày Độc thân đã vượt mặt cả Black Friday của Mỹ về doanh số bán hàng và lợi nhuận. (Nguồn: SCMP).

Chỉ trong vòng chưa đầy 7 phút sau đêm 10/11 và rạng sáng 11/11, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc cho hay họ đã bán ra được số sản phẩm trị giá 10 tỷ NDT (1,47 tỷ USD) qua các kênh bán hàng của mình khi người tiêu dùng nước này tham gia vào ngày hội của những trái tim cô đơn.

Cách đây 3 năm, phải mất tới hơn 6 giờ đồng hồ, Alibaba mới có thể đạt được doanh số bán này này. Theo ước tính, chỉ cần nửa ngày là doanh số bán hàng của công ty này đã vượt qua cả mức tổng doanh số trong ngày này năm ngoái.

Giới phân tích tổng doanh số bán hàng trong lễ Độc thân năm nay sẽ lên tới 20 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục 14,4 tỷ USD hồi năm 2015, trong một sự kiện đã vượt qua cả sự kiện bán hàng nổi tiếng như Black Friday hay Cyber Monday ở nước Mỹ. Hàng loạt các nhãn hiệu nổi tiếng như Apple, Nike, New Balance, Adidas và Ugg đều đứng trong top các hãng có sản phẩm bán chạy, trong khi chỉ có một vài nhãn hàng Trung Quốc nổi trội, chủ yếu về sản phẩm điện thoại di động và hàng gia dụng.

Phần lớn của lượng tiền này sẽ đổ vào túi của các nhà sản xuất và các hãng bán lẻ, trong khi Alibaba được hưởng một khoản hoa hồng nhỏ và chi phí từ quảng cáo. Alibaba đã mời cả cặp vợ chồng David và Victoria Beckham cùng ban nhạc One Republic tới biểu diễn trong một sự kiện tổ chức tại Thẩm Quyến trước khi ngày Độc thân bắt đầu.

Hồi năm ngoái, người ta còn được chứng kiến sự hiện diện của nam tài tử Daniel Craig, diễn viên đóng vai điệp viên James Bond, trong sự kiện ngày Độc thân.

Được biết, ngày hội mua sắm này ban đầu được hình thành nhờ các sinh viên đại học hồi những năm 1990, khi họ đổ xô đi mua các món quà cho mình để mừng lễ tốt nghiệp. Cũng có người cho rằng ngày 11/11 trở thành ngày Độc thân bởi do có 2 chữ số 1 đứng sát nhau, tượng trưng cho những người độc thân.

Khi Alibaba lần đầu tổ chức lễ hội mua sắm vào ngày Độc thân năm 2009, chỉ có khoảng 27 thương nhân tham gia, và họ đã phải đưa ra mức giảm giá đáng kể để thu hút người mua trong khoảng thời gian 24 giờ đồng hồ.

Lễ hội mua sắm này là một tín hiệu đáng mừng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, những người đang nỗ lực để chuyển đổi nền kinh tế tập trung vào sản xuất và các ngành công nghiệp quốc doanh sang một nền kinh tế của người tiêu dùng. Tuy ngày Độc thân là một giấc mơ đối với nền kinh tế, nhưng những con số lợi nhuận khổng lồ này lại che dấu một nền kinh tế đang bị chững lại của Trung Quốc.

“Ngày Độc thân giờ đã trở thành một hiện tượng trên lịch, nó quá lớn để có thể thất bại” - Duncan Clark, Chủ tịch công ty cố vấn đầu tư BDA Trung Quốc, nhận định - “Alibaba không thể để người ta nhìn thấy những con số thấp được - vì bản thân công ty này và cũng vì nền kinh tế vĩ mô Trung Quốc - và họ phải chịu rất nhiều sức ép”.

Alibaba trong mấy năm trở lại đây đã mở rộng hoạt động sang các sản phẩm tài chính, bảo hiểm, giải trí và mức tăng trưởng trong tương lai của họ sẽ đến từ các mảng này, ông Clark nói, trong bối cảnh thương mại điện tử đang có nhiều hạn chế. Công ty này cũng đang làm việc để tăng giá trị của các sản phẩm mà họ bán ra.

Chính vì tầm cỡ khổng lồ của ngày hội mua sắm Độc thân ở Trung Quốc mà không ít người mua hàng ở nước này đã tỏ ra khó chịu về dịch vụ của nó, như họ không thể mua được thứ họ muốn, và khi đã mua được thì phải chờ đợi rất lâu thì hàng mới được chuyển tới.

“Tôi không thích ngày Độc thân bởi tôi không thể mua những thứ mình thích” - Yang Qian, một luật sư 28 tuổi nói - “Tôi bỏ một chai dầu gội đầu vào giỏ hàng (trực tuyến) cách đây vài ngày, nhưng khi tôi đến trả tiền để lấy nó thì nó đã bị bán mất”.

Điều này cũng trở thành một tâm lý chung của nhiều người trong ngày hội mua sắm Độc thân.

“Tôi không thích ngày Độc thân bởi hàng hóa chả rẻ hơn là mấy trong khi chuyển hàng lại quá chậm” - Zhao Ying, một nhân viên ngân hàng 27 tuổi, nói. Nhưng dù phàn nàn, Zhao vẫn lao theo trào lưu này và đã chi 1.000 NDT để mua đồ gia dụng.

Còn đối với các nhà sản xuất, Alibaba đã hứa hẹn trước mỗi dịp về khoản lợi nhuận mà họ thu được nếu tham gia ngày hội mua sắm này, ít nhất là trong ngắn hạn.

Wei Xiuyuan, một nhà buôn đồ lót 26 tuổi, rất hứng thú với ngày hội Độc thân khi các đơn hàng cứ thế đổ về máy tính của cô.

“Chúng tôi có thể bán được nhiều sản phẩm hơn trong ngày này, doanh thu đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái” - Wei nói - “Chúng tôi có thể kiếm nhiều tiền hơn và khách hàng cũng vui vẻ bởi giá chỉ bằng một nửa thông thường”.

Linh Chi