Giảm gánh nặng báo cáo
Báo cáo hành chính là nội dung cần thiết và hết sức quan trọng trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước. Chế độ báo cáo hành chính được thiết lập nhằm đảm bảo thông tin thông suốt trong hoạt động quản lý của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo quản lý và điều hành.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan.
Tuy nhiên khi đánh giá chất lượng của báo cáo hành chính, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) Ngô Hải Phan thẳng thắn cho rằng, công tác báo cáo hành chính đang diễn ra hết sức tùy tiện, thiếu ổn định và thiếu tính thống nhất, làm mất rất nhiều thời gian xử lý, thực hiện của các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, đồng thời cũng là tác nhân làm giảm sút tính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước. Nguyên nhân do chế độ báo cáo hành chính được quy định tản mát trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
“Kỳ hạn, tần suất, quy trình, nội dung… từng loại báo cáo đang là vấn đề vướng mắc, gây không ít khó khăn, lúng túng trong thực hiện. Mặt khác, khó có thể thống kê được chính xác số lượng báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước trong từng năm, bởi mỗi cấp, mỗi cơ quan hành chính từ Trung ương đến cơ sở phải thực hiện hàng loạt các báo cáo (từ báo cáo tuần, quý, tháng, năm, đến rất nhiều báo cáo đột xuất khác). Đây cũng chính là nguyên nhân của tình trạng thiếu đồng bộ, thống nhất và tương thích về số liệu trong các báo cáo hành chính thời gian qua”-ông Phan nói.
Đứng trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 225/QĐ-TTg và giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ chủ trì xây dựng Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã hoàn thành Dự thảo Đề án và lấy ý kiến của các bộ ngành.
Tại hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Đề án mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, việc xây dựng Đề án là vô cùng cần thiết, nó không chỉ giảm gánh nặng cho các cơ quan mà còn góp phần nâng cao chất lượng cho các báo cáo hành chính.
Tuy nhiên, để làm được điều này không dễ nhất là khi ở mỗi bộ, ngành, địa phương các báo cáo hành chính mỗi nơi một kiểu, thiếu sự thống nhất và chặt chẽ.
Góp ý vào việc hệ thống hóa báo cáo, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang - Ấu Duy Quang cho rằng, Dự thảo cần xác định rõ các loại báo cáo, chẳng hạn báo cáo định kỳ chỉ một loại 6 tháng và 1 năm; đồng thời phải “phần mềm” hóa báo cáo, có sự thống nhất giữa các cơ quan hành chính về thời điểm, hình thức, nội dung báo cáo.
“Với 22 bộ, 63 tỉnh, thành phố việc chia sẻ báo cáo sẽ được tổ chức thế nào? Cơ chế nào để bảo đảm tính minh bạch, bởi công khai luôn đi cùng với tính minh bạch?” – ông Quang băn khoăn.
Trước những băn khoăn trên, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp Ngô Hải Phan khẳng định, Đề án là một trong những nội dung gắn liền với chủ trương cải cách và hiện đại hóa nền hành chính của Nhà nước ta, thiết thực hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.
Đơn giản hóa chế độ báo cáo phải đảm bảo tiết kiệm tối đa thời gian, nhân lực thực hiện, tiến tới loại bỏ các báo cáo không thực sự cần thiết, cắt giảm tối thiểu 15- 20% số lượng báo cáo và tần suất báo cáo trong cơ quan hành chính nhà nước.
Cũng theo ông Phan trong quá trình xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được chia làm hai giai đoạn.
Cụ thể giai đoạn thứ nhất, từ giữa năm 2017 trở đi sẽ thực hiện thay đổi phương thức yêu cầu báo cáo, gửi - nhận báo cáo từ bản giấy sang báo cáo điện tử. Lợi ích của giải pháp này đảm bảo rút ngắn thời gian xây dựng báo cáo, tiết kiệm tối đa chi phí văn phòng, cước phí bưu chính. Chỉ tính 70% đơn vị thực hiện chuyển đổi phương thức, số tiền tiết kiệm được ước tính trên 199 tỷ đồng/năm.
Giai đoạn thứ hai, khi thiết lập xong Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, toàn bộ báo cáo hành chính sẽ được thực hiện trên hệ thống. Nếu chỉ tính thời gian thực hiện báo cáo giảm ở mức thấp nhất là 50% thì chi phí tiết kiệm thêm hàng năm ước tính trên 526 tỷ đồng/năm.