Ngăn chặn công nghệ lạc hậu vào Việt Nam

V. Thắng 12/11/2016 01:49

Ngày 11/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi. Nhiều ĐB cho rằng, Luật phải thiết kế, đưa những quy định chặt chẽ về chuyển giao công nghệ tránh việc nước ngoài không lợi dụng kẽ hở để đưa công nghệ lạc hậu. Đồng thời chuyển giao công nghệ mạnh mẽ vào lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp.

Ngăn chặn công nghệ lạc hậu vào Việt Nam

ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) phát biểu tại phiên họp ngày 11/11.

Không để bị lợi dụng

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, Dự luật cần quy định để làm sao Bộ Khoa học và Công nghệ, những người quản lý khoa học công nghệ tham gia được vào quá trình chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ từ nước ngoài vào.

Bởi trong các dự án hầu như cơ quan quản lý nhà nước tiếp cận. Lấy ví dụ về trường hợp công nghệ của Formosa, ông Dũng nhận định, dù đây là tập đoàn công nghệ cao nhưng nếu quản lý nhà nước và các quy định pháp luật không chặt chẽ thì có thể họ lách, đưa công nghệ không phù hợp vào.

“Đơn cử qua kiểm tra rà soát đã phát hiện Formosa tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc, từ công nghệ xử lý cốc khô có nghĩa là công nghệ thân thiện sang công nghệ xử lý cốc ướt là công nghệ phát tán rất nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải. Hoặc yêu cầu họ phải có hồ điều hoà xử lý nước trước khi đưa ra khỏi khu vực nhà máy nhưng do chúng ta kiểm soat không kỹ, giao cho họ cả một diện tích đất rộng, nên khó kiểm tra, rà soát hết”- ông Dũng dẫn chứng đồng thời nói thêm về dự án bô-xit Tây Nguyên: họ cũng nói đưa công nghệ cao vào, nhưng thực tế không phải như vậy.

Cho nên luật phải đưa ra quy định chặt chẽ về chuyển giao công nghệ để có thể kiểm tra được, làm sao nước ngoài không lợi dụng kẽ hở để đưa công nghệ lạc hậu vào.

Cùng quan điểm, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, dự luật chưa quy định rõ về chuyển giao các loại công nghệ theo cấp bậc công nghệ.

Theo ông Nhưỡng, giá trị công nghệ phụ thuộc hoàn toàn vào cấp bậc công nghệ, ví dụ phát minh khác với sáng chế, sáng chế lại khác với các giải pháp hữu ích. “Chúng ta phải xem xét các chính sách chuyển giao các cấp bậc công nghệ này thế nào”- ông Nhưỡng nói.

Lưu ý tới lĩnh vực nhập khẩu công nghệ, ông Nhưỡng cho rằng, nhiều công nghệ nhập khẩu về nhưng khi kiểm nghiệm thì “chúng ta bó tay hết” do sự lệch pha về công nghệ, chỉ nhập phần cứng trong khi phần mềm vận hành trong nước lại chưa theo kịp. Khi đó lại phải tiếp tục ra nhập phần mềm nếu muốn vận hành công nghệ, máy móc.

Nên lẽ ra “giá công nghệ chỉ một đồng thì cuối cùng lại phải bỏ ra rất nhiều. Chưa kể, công nghệ phải phụ thuộc vào chuyên gia, lập tức các cỗ máy nhập về chỉ là những đống thép lạnh lùng nằm đấy.

Do đó đề nghị luật cần khắc phục điểm này và nên khuyến khích chuyển giao mà phải làm sao phát triển thị trường công nghệ. Luật cũng cần quy định chặt chẽ về thẩm định, trách nhiệm thẩm định công nghệ hiện vẫn rất sơ hở.

Chúng ta phải quy định rất rõ trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định nếu phát hiện thẩm định sai thì phải liên đới trách nhiệm, kể cả tính chuyện xử lý trách nhiệm hình sự, tránh tình trạng nhập thiết bị tỷ đô, gây lãng phí thất thoát cho Nhà nước”- ông Nhưỡng nói.

Chuyển giao công nghệ cho nông dân

Ngoài vấn đề ngăn chặn cộng nghệ lạc hậu xâm nhập, điều mà nhiều ĐB băn khoăn chính là làm sao thúc đẩy thúc đẩy khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động.

ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, Nhà nước đã xác định giáo dục đào tạo và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên chính sách để phát triển khoa học công nghệ là chưa nhiều.

Ông Công dẫn chứng: Khi Quốc hội khóa XIII thảo luận về luật Khoa học công nghệ thì mới quyết chi 2% đầu tư cho khoa học công nghệ.

Ngành y có thầy thuốc nhân dân, giáo dục có nhà giáo nhân dân mà khoa học công nghệ không có một chính sách cho đội ngũ nhà khoa học, nhất là chính sách đãi ngộ khen thưởng nhất đối với bổ sung với những người trực tiếp chuyển giao công nghệ để sử dụng khoa học công nghệ chất lượng cao, hỗ trợ bà con nông dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến đề để giúp bà con nông dân sản xuất nông nghiệp.

“Các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ còn chung chung có đề cập chuyển giao công nghệ cho nông thôn miền núi và đồng bào đặc biệt khó khăn cho nông dân nhưng chưa khuyến khích thật tốt. 70% dân số làm nông nghiệp nhưng công nghệ của ta lạc hậu thua xa Thái Lan.

Tại đồng bằng sông Cửu Long người dân phải mua công nghệ của Thái Lan rồi giống của họ như: sầu riêng cơm, chôm chôm, me ngọt, măng cụt không hạt, na nặng 1 kg mà không hạt. Cho nên mình cần nghiên cứu để triển khai thực hiện tốt cho nông nghiệp, nông dân nông thôn”-ông Công nói.

Còn ĐB Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) đề nghị, cần chuyển giao công nghệ cho người nông dân để phục vụ sản xuất nông nghiệp vì tam nông vẫn là vấn đề then chốt, tuy nhiên thời gian qua ít chuyển giao công nghệ cho nông nghiệp để phục vụ sản xuất làm tăng năng suất lao động.

Nói như lời ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long): “70% dân số nước ta là làm nông nghiệp, nếu chúng ta không làm tốt người nông dân sẽ phải dùng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, chất độc hại gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, không nâng cao được năng suất chất lượng.

Do đó cần đánh giá sau 2 năm sản phẩm khoa học công nghệ mà không ra được thị trường, đến được với người tiêu dùng thì Nhà nước cương quyết không hỗ trợ nữa.

Đặc biệt hàng năm Bộ Khoa học và công nghệ phải có báo cáo về vấn đề khoa học công nghệ vì chúng ta đã xác định khoa học công nghệ là một trong những quốc sách hàng đầu để phát triển kinh tế xã hội đất nước”.

V. Thắng