Cẩn trọng với thịt cóc
Lâu nay, nhiều thầy thuốc Đông y thường khuyên dùng thịt cóc như một món ăn bổ dưỡng giúp trẻ em ăn mau lớn, thông minh. Tuy nhiên, các bộ phận như da, dưới da, trứng, gan, ruột của cóc lại rất độc, vì có chứa nọc độc và một số hợp chất hữu cơ khác. Khi ăn thịt cóc mà những chất này chưa được loại bỏ hoàn toàn có thể gây ngộ độc cấp khiến ngừng tim và ức chế hô hấp dẫn đến tử vong nhanh.
Nguy hiểm chết người
Mới đây nhất là vụ 3 mẹ con chị Bùi Thị Thu Hiền (31 tuổi), ngụ ấp Tân An, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tử vong vì ăn cháo cóc. Theo người nhà chị Hiền, ngày 7/11, chị Hiền mua thịt cóc từ một người bán dạo về nấu cháo. Đến 17h cùng ngày, chị Hiền và hai con của chị là Nguyễn Ngọc Bảo Nguyên (7 tuổi) và Nguyễn Ngọc Phương Uyên (11 tháng tuổi) cùng ăn cháo.
Vài tiếng sau khi ăn, 3 mẹ con chị Hiền có biểu hiện nôn ói, khó thở. Đến 22h cùng ngày, gia đình đã đưa 3 mẹ con chị Hiền đến Bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu cấp cứu. Tuy nhiên, do bị ngộ độc quá nặng nên sau đó, cả 3 mẹ con đã tử vong.
Theo bác sĩ Lê Minh Hiếu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành súc ruột, cho uống than hoạt tính, lọc máu liên tục cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau đó cả 3 bệnh nhân đều tử vong do nhập viện quá muộn, độc tố của cóc đã ngấm vào người.
Trước đó, ngày 14/7, một bệnh nhân nam (27 tuổi, Hà Nội) nhập viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu do nuốt mật cóc để chữa bệnh viêm gan B nhưng đã tử vong do ngộ độc mật cóc. BS. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân này có tiền sử viêm gan B, nghe lời đồn thổi nuốt mật cóc có thể chữa được viêm gan B nên đã liều mình sử dụng. Sau khi nuốt, bệnh nhân đã bị hôn mê bất tỉnh và phải nhập viện cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân đã bị suy gan, suy hô hấp và tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, mật động vật nào cũng nguy hiểm cho sức khỏe con người. Nếu hàm lượng chất độc nhỏ thì sẽ gây kích thích tim mạch, làm các vết thương nội hoại tử dẫn đến nhiễm trùng. Nếu hàm lượng chất độc lớn có thể gây tử vong. Đó là chưa kể các loại vi khuẩn gây hại khác như tụ cầu khuẩn vàng, các loại virus, giun sán gây bệnh có trong máu động vật thông qua mật cũng rất dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường ruột. Cũng theo bác sĩ Cấp, trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận một vài trường hợp hôn mê, tử vong vì nghe lời đồn thổi, nuốt mật cóc chữa ung thư.
Trước đó, tối 18/5, ông Đoàn Tấn Bửu, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho biết, bệnh viện đã không cứu được cháu Trần Nguyễn Hoài Nam (4 tuổi, ngụ khóm 4, P.6, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp ) do ngộ độc thịt cóc.
Cụ thể, chiều ngày 16/5, ông Trần Văn Sơn Em (ngụ khóm 4, P.6, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp ) đi soi và bắt được 7 con cóc cùng vài con ếch nhái.
Sáng ngày 17/5, bà Nguyễn Thị Kim Loan (vợ ông Em) bắt vài con cóc nhái làm thịt và chế biến món kho sả ớt cho gia đình gồm 9 thành viên cùng ăn. Ăn xong, các thành viên trong gia đình vẫn sinh hoạt bình thường. Đến chiều ngày 17/5, chị Loan tiếp tục làm thịt 4 con cóc chế biến món khổ qua xào cho 9 thành viên trong gia đình cùng ăn.
Ăn xong bé Trần Nguyễn Hoài Nam (4 tuổi) bị nôn và nôn ngày càng nhiều. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp điều trị nhưng khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày bé Nam tử vong. Bệnh viện chẩn đoán do ngộ độc.
Rất nhiều độc tố
Theo các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng thịt cóc là thực phẩm giàu dinh dưỡng chứa nhiều đạm và kẽm, nhưng chứa bufotoxine – một chất cực độc, bền với nhiệt, có trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng, có thể gây chết người trong thời gian cực ngắn. Ước tính lượng bufotoxin trong 1 con cóc có thể gây chết cho 4-5 người khỏe mạnh. Nọc cóc còn có tetrodotoxin, giống như chất độc ở cá nóc và nhiều chất độc khác làm co mạch máu, tăng huyết áp, tim đập nhanh hoặc chậm... Tỷ lệ tử vong do ngộ độc cóc rất cao. Có người qua được cơn nguy kịch thì bị suy thận, vô niệu... Bên cạnh đó, cóc rất bẩn, có nhiều giun sán, ký sinh trùng. Người bị ngộ độc có thể thấy tê môi, buồn nôn, nôn, rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, hồi hộp, tụt huyết áp, hoảng hốt và sinh ra ảo giác, co giật.
Theo GS.TS. Nguyễn Bá Đức -Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, gan và mật cóc rất độc, có thể gây tử vong. Cần thận trọng vì trong quá trình chế biến, độc tố từ gan, mật, da cóc có thể dính vào thịt gây ngộ độc. Về thông tin chữa bệnh của thịt cóc, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, trong Đông y chưa từng đề cập tới việc dùng gan, mật cóc sống để chữa bệnh viêm gan B, chỉ có vài bài thuốc có sử dụng một lượng rất nhỏ chất độc từ mật, gan cóc (liều lượng được tính toán để không gây ngộ độc) phối hợp với các vị khác để chữa một số bệnh.
Theo các chuyên gia, tốt nhất không nên uống hay nuốt sống mật bất kỳ con vật nào. Nếu vô tình uống phải thì cần lưu ý những triệu chứng ngộ độc thường gặp là rối loạn tiêu hoá, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy; đi tiểu ít, có khi vô niệu. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị phù não, phù phổi cấp, co giật toàn thân, thậm chí có thể tiến đến hôn mê rồi tử vong.
Còn PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên mạo hiểm cho con ăn với mong muốn chữa bệnh còi xương hay chán ăn… vitamin D và canxi trong thịt cóc rất ít, không thể chống còi xương ở trẻ. Thịt bò hoàn toàn có lượng đạm tương đương với thịt cóc. Cha mẹ hoàn toàn có thể dùng các loại thực phẩm này thay vì thịt cóc, lại an toàn cao hơn. Thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định nhưng ăn lại nguy hiểm hơn. Nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc, có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, thời gian biểu hiện các triệu chứng ngộ đọc là từ khoảng 30 phút đến 2 giờ sau khi ăn thịt cóc. Ngoài các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thông thường như buồn nôn, nôn, đau bụng, hoa mắt chóng mặt, thì chất bufotenin trong thịt cóc làm người bệnh xuất hiện các hội chứng tim mạch và rối loạn thần kinh - tâm thần. Ngộ độc thịt cóc thường có biểu hiện buồn nôn, nôn, mửa, đau và chướng bụng, huyết áp tăng, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp, sau đó dẫn đến truỵ mạch. Lúc này, cần nhanh chóng tiến hành gây nôn cho nạn nhân (cho nạn nhân nằm nghiêng rồi móc họng hoặc nạn nhân tự làm) để loại bỏ độc tố trong cơ thể. Có thể cho nạn nhân uống than hoạt tính để hấp thụ độc tố còn trong cơ thể. Sau đó phải nhanh chóng đưa đi cấp cứu để các bác sĩ tiến hành các biện pháp đào thải độc tố chuyên nghiệp cũng như điều trị triệt để các triệu chứng đi kèm. |