Dạy để dự giờ

Thanh Thanh 13/11/2016 09:25

Năm học 2016-2017 đã được hơn hai tháng. Hiện đang là thời điểm học sinh bước vào kỳ thi giữa học kỳ và giáo viên thì tập luyện tích cực để đối phó với việc dự giờ.

Một phụ huynh kể: Tôi có con đang học lớp 4 ở một trường tiểu học thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hôm nay, con tôi nói lớp có các thầy cô khác sẽ tới dự giờ học.

Để có buổi dự giờ đạt chất lượng cao, cô giáo và các con đã luyện tập khá kỹ từ nhiều buổi trước, đến nỗi không có thời gian để cô giáo chấm bài và học sinh thì gần như thuộc lòng tất cả kịch bản của buổi dự giờ. Đứng thế nào, ngồi thế nào và cả cách giơ tay phát biểu cũng được thao tác thuần thục. Đặc biệt là các học sinh này được dặn dò kỹ phải học thuộc và trả lời câu hỏi như thế nào. Ai không biết chắc chắn câu trả lời cũng cứ giơ tay phát biếu vì cô giáo dặn rằng cứ yên tâm là cô chỉ gọi những bạn mà cô chắc chắn sẽ trả lời thành thạo.

Nhiều giáo viên thì cho biết theo quy định hằng năm mỗi giáo viên đều phải thực hiện những tiết dạy để trường dự giờ, qua đó đánh giá năng lực chuyên môn và kỹ năng giảng dạy. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá giáo viên trong suốt cả năm học. Ở Việt Nam, tiết dự giờ thường được báo trước vì vậy, cả thầy và trò cùng tập dượt kỹ lưỡng trước khiến cho tiết học khác xa với những ngày bình thường.

Thật lạ, một tiết dạy đánh giá năng lực dạy học của cô giáo thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập của học sinh bỗng biến thành một tiết dạy khả năng diễn xuất ? Dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh có quyền đặt câu hỏi: Nền giáo dục của chúng ta sẽ đi đến đâu, chất lượng nhân lực để kiến thiết và xây dựng đất nước sau này sẽ ra sao nếu cả giáo viên và học sinh đều diễn thế này…

Thực tế đau lòng của một học sinh lớp 6 không đọc thông viết thạo phải học lại học lại từ lớp 1 ở Sóc Trăng vừa qua có phải là sản phẩm của nền giáo dục chạy theo thành tích? Nói như PGS Mạc Văn Trang (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), khái niệm “ngồi nhầm lớp” chỉ có ở Việt Nam và cũng phải nói rõ rằng học sinh không có lỗi không tự sắp xếp lớp cho mình mà là do giáo viên , người lớn sắp đặt.

Nhiều người, thậm chí là cả các nhà giáo đều cho rằng hầu hết các tiết dự giờ là… diễn kịch và đó là biểu hiện rõ nhất của căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Khi sắp xếp các tiết dạy để diễn, ở khía cạnh nào đó chính tự thân giáo viên đã bộc lộ sự yếu kém về năng lực, thiếu tự tin trong nghiệp vụ.

Còn trò thì không khác gì những cỗ máy. Sẽ chẳng có sự sinh động thật sự của một tiết học. Học theo kiểu đối phó, học sinh sẽ quen với cách dối trá và nghĩ rằng đã phát biểu là phải đúng, phải chính xác, từ đó ngại phát biểu vì tâm lý sợ sai và mất dần sự tự tin, điều mà trẻ em Việt Nam thường yếu hơn học sinh nước ngoài.

Sự tương tác giữa thầy và trò trong quá trình học là vô cùng quan trọng. Hoạt động dự giờ là một trong những cách để đánh giá năng lực chuyên môn của giáo viên, trình độ học trò. Song với những tiết dự giờ nặng về hình thức, không phản ánh đúng thực tế thì chỉ là cuộc đua phù phiếm, mệt thầy, khổ trò.

Thanh Thanh