Hàng vạn người dự Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong vì TNGT
Từ đêm qua, 12/11, hàng vạn người là thân nhân của những người tử vong vì TNGT, các tăng ni, phật tử đã có mặt tại chùa Trình. Lúc 4h sáng nay, tại đây các phật tử đã bắt đầu tụng kinh cầu siêu các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông…
Từ sáng sớm, các phật tử đã bắt đầu tụng kinh cầu siêu với thông điệp “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”.
Sáng nay, 13/11, tại Chùa Trình, TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) tại Việt Nam năm 2016.
Dự lễ cầu siêu về phía lãnh đạo Trung ương có bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia; đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố.
Về phía GHPG Việt Nam có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam; các Chư tôn đức lãnh đạo Trung ương GHPG Việt Nam và GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.
Về phía tỉnh Quảng Ninh ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện gia đình, thân nhân các nạn nhân TNGT và đông đảo các tăng, ni, phật tử, nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại Đại lễ cầu siêu.
Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT” tại Việt Nam năm 2016 (ngày 20/11) với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”.
Đại lễ cầu siêu thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bày tỏ niềm thương xót những người không may thiệt mạng vì TNGT; chia sẻ đau thương, mất mát với người thân của họ, đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Đây cũng là năm thứ 5 Đại lễ cầu siêu cấp Quốc gia được tổ chức.
Dự và phát biểu tại Đại lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: Mỗi ngày trôi qua trên đất nước Việt Nam, TNGT cướp đi sinh mạng của 24 người và làm cho gần 60 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời, mang đến sự mất mát, tang thương và đớn đau tột cùng cho hàng trăm gia đình. Thiệt hại to lớn về con người là không gì bù đắp được.
Đại lễ cầu siêu được tổ chức sẽ giúp cho hương linh những người không may bị tử nạn do TNGT được siêu đăng Phật quốc; đồng thời góp phần giúp gia đình các nạn nhân có thêm niềm tin, nghị lực, sớm vượt qua những khó khăn trước mắt để tiếp tục xây dựng cuộc sống và xã hội ngày thêm an lành, tốt đẹp.
Bộ trưởng kêu gọi các cơ quan hữu quan của Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo ATGT, đồng thời chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT để cho niềm vui về hạnh phúc, an toàn và bình yên trọn vẹn đến với mỗi người dân khi tham gia giao thông và đến với mọi người, mọi nhà.
Tại Đại lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam đã nêu ý nghĩa của Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong vì TNGT. Đồng thời, Hòa thượng gửi đến tăng, ni, phật tử lời nhắn nhủ: Mọi người hãy vì cuộc sống bình yên của chính mình và cộng đồng xã hội, nỗ lực thực hành đúng pháp luật, luật giao thông, nhằm bảo vệ tính mạng chính mình và thân nhân cùng cộng đồng xã hội, để giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông trong thời gian tới.
Đại biểu và nhân dân thả chim phóng sinh và bồ câu hòa bình.
Cũng tại Đại lễ cầu siêu, Ban Tổ chức đã trao quà cho 10 thân nhân những người bị TNGT có hoàn cảnh đặcbiệt khó khăn nhằm chia sẻ, xoa dịu phần nào về tinh thần, vật chất cho gia đình nạn nhân.
Kết thúc Đại lễ, các vị đại biểu và nhân dân thực hiện nghi thức thả chim phóng sinh và bồ câu hòa bình.