Phòng chống HIV, ma tuý: Chú trọng từ y tế thôn bản
Làm thế nào để người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV, tiếp cận được với thuốc kháng virus; người nghiện ma túy được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone dễ dàng, thuận lợi? Thực tế đã và đang diễn ra tại tỉnh Thanh Hoá phần nào gợi mở một cách nghĩ, cách làm hiệu quả.
Xét nghiệm HIV tại cộng đồng ở bản Tà Bán (Trung Sơn, Quan Hoá, Thanh Hoá). Ảnh: Trần Ngọc Kha.
Test HIV tại bản
Chị Dương Thị Dảnh ngụ tại bản Sước, xã Trung Sơn, huyện Quan Hoá mấy năm nay có chồng mắc nghiện ma tuý. Nghe nói cán bộ y tế bản Tà Bán Phạm Bá Mạo có khả năng “test” nhanh phát hiện được tình trạng nhiễm HIV, chị tìm đến nhờ cậy.
Đến lượt mình, chị bước đến bên bàn xét nghiệm, làm theo hướng dẫn của cán bộ Mạo, chìa bàn tay lấy máu xét nghiệm, hai mắt nhắm lại... Thoắt cái, đã xong việc. Hơn chục phút chờ đợi trôi qua trong khấp khởi lo âu. Bất chợt người cán bộ reo lên: “Âm tính”. Chị Dảnh ngơ ngác chưa hiểu điều gì. Đến khi thấy cán bộ Mạo chìa bàn tay ra chúc mừng, trên gương mặt người đàn bà nhỏ nhắn kia mới nở nụ cười thật tươi tắn.
“Hôm nay là một ngày may mắn. Có 7 người đến “tét” thì cả 7 người đều “âm tính” với virus HIV” - người y tế thôn bản Phạm Bá Mạo chia sẻ với chúng tôi rồi bắt tay tạm biệt từng người bà con của mình. “Chả bù cho hôm trước, hầu hết những người đến “tét” đều nhận được hai vạch đỏ trên que thử. Họ đã “dương tính” với virus HIV. Nhìn họ buồn ra mặt mà mình đầy ái ngại. Ai cũng dặn mình cần giữ kín chuyện này cho mình”- Mạo kể.
Chúng tôi tìm về Trạm Y tế xã Trung Sơn. BS Lê Văn Tự- Trưởng trạm cho biết, từ tháng 7/2016, Tà Bán là một trong 5 bản- Tà Bán và bản Thước (xã Trung Sơn), bản Chiền và Trung Tiến (xã Trung Thành) và bản Sắng (xã Thiên phủ)- của huyện Quan Hoá nằm trong diện thí điểm cử ra mỗi bản 1 người làm công tác lấy mẫu xét nghiệm HIV tại cộng đồng để sàng lọc nhận biết tình trạng nhiễm HIV, một trong 3 tiêu chí của mục tiêu 90-90-90 trong công tác phòng chống HIV/AIDS do Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện.
Trước khi nhận nhiệm vụ, cán bộ y tế thôn bản ở đây được Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hoá tập huấn thành thạo kỹ thuật lấy mẫu máu.
Đến nay, đội ngũ này đã rà soát được 188 đối tượng tiêm chích ma tuý và bạn tình có nguy cơ cao, phụ nữ mang thai và các đối tượng khác, phát hiện được 15 người nhiễm HIV và đã kết nối thành công 13 người vào điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Quan Hoá, nâng tổng số người nhiễm HIV tại xã lên đến 67 người kể từ khi người nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 2006.
Thạc sĩ Cao Kim Thoa- Phó Trưởng phòng Truyền thông và huy động cộng đồng, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho rằng, đây là một trong những kết quả đáng khích lệ trong hệ thống y tế cơ sở nói chung, phòng chống HIV/AIDS nói riêng.
Uống Methadone và ARV cũng tại bản
Đến Trung Sơn, chúng tôi không khỏi đau lòng trước bao cái chết vì nhiễm HIV và tiêm chích ma tuý. Riêng tại bản Co Me trong năm 2014, đã có đến 34 người chết vì HIV. Phần lớn trong số đó có nguốn gốc lây nhiễm từ tiêm chích ma tuý. Đến bây giờ, nỗi kinh hoàng còn hằn trong từng gương mặt những người nghiện.
Anh Phạm Bá Biền (44 tuổi) bản Chiền, xã Trung Sơn, huyện Quan Hoá, dân tộc Thái, có “thâm niên” nghiện ma tuý 10 năm, nay đều đặn hàng ngày đến uống thuốc cai nghiện Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Quan Hoá kể: “Nếu không được các bác sĩ, y tá ở đây cho uống Methadone, chắc tôi cũng đã “xanh cỏ” từ lâu rồi!”.
Nếu như trước kia mỗi ngày anh phải tìm mọi cách để có được ít nhất 200 nghìn đồng chích ma tuý hay 300 - 400 nghìn đồng hút hê-rô-in thì nay không những mọi thèm muốn cái chất gây nghiện chết người kia đã hết mà anh còn dư sức làm nương rẫy giúp đỡ vợ, con.
“Cũng là nhờ Trạm Y tế xã Trung Sơn này mới mở ra thêm một điểm phát thuốc Methadone, chỉ cách nhà tôi 2 km. Trước kia, tôi phải đi một thôi đường 14 km đến tận Trạm Y tế xã Thành Trung mới có thuốc uống, nhiều khi ngại, bỏ “bữa”, lại tái nghiện. Nay do được uống thuốc đều đặn, tôi không còn bị ma tuý quyến rũ nữa”- anh Biền chia sẻ.
Bây giờ, người nghiện ma tuý như anh Biền ở huyện Quan Hoá chẳng còn ai dám bỏ lịch uống thuốc Methadone. “Bất kể thời tiết nắng mưa, bão bùng và, nói các anh, các chị bỏ quá cho, kể cả khi có bố mẹ chết chúng tôi cũng phải cố lê gót đến đây, uống thuốc xong mới về chịu tang- anh Phạm Bá Thúc (34 tuổi) gắn bó với Methadone từ năm 2015 đến nay, tâm sự - Đằng nào cũng lỡ rồi, theo Đảng và Nhà nước thôi...”.
Bác sĩ Đinh Văn Bột- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho hay, hiện nay, ở đây thường xuyên có hơn 200 người trong tổng số 500 nghiện ma tuý được uống Methadone, 378 người nhiễm HIV điều trị ARV.
Có được kết quả này do từ cuối năm 2013, khắc phục khó khăn về giao thông, để người nghiện ma tuý và nhiễm HIV được tiếp cận gần hơn với các dịch vụ y tế, huyện triển khai mô hình thí điểm cấp phát thuốc các thuốc loại này cho người nghiện ma tuý, người nhiễm HIV đến tận 7 xã Thành Trung, Thành Sơn, Trung Sơn, Thiên Phủ, Phú Thanh, Hiền Kiệt, Hiền Trung. Ông khẳng định, cứ đà này, chắc chắn huyện chúng tôi sẽ về đích mục tiêu phòng chống HIV 90-90-90 trước năm 2020 theo kế hoạch.
Và từ thực tế nói trên ở tỉnh Thanh Hoá cho thấy, chỉ khi nào các điều kiện hỗ trợ người nghiện ma tuý và người nhiễm HIV như thuốc điều trị nghiện bằng Methadone hoặc thuốc điều trị ARV đến được gần dân tại các xã, mới có thể đem lại kết quả phòng chống HIV/AIDS cao như mong muốn. Lợi ích từ những nỗ lực này không chỉ đem lại riêng cho người nghiện ma túy và gia đình họ mà còn cho toàn xã hội, khi cuộc sống của những nơi này ngày thêm yên bình, no ấm...