Quy rõ trách nhiệm bộ, ngành
Công nghệ lạc hậu đang cản trở sự phát triển của đất nước, không làm tăng năng suất lao động cũng như những hậu quả về ô nhiễm môi trường. Vậy làm sao để khắc phục tình trạng này?
Ông Nguyễn Quốc Khánh.
Trao đổi với ĐĐK, ĐBQH Nguyễn Quốc Khánh (Quảng Nam), Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập Đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho rằng: Bộ chủ quản còn nắm về khoa học công nghệ vững hơn Bộ Khoa học và Công nghệ vì Bộ Khoa học và công nghệ là quản lý chung còn bộ chủ quản lĩnh vực nào đều có chuyên gia trong lĩnh ấy. Do đó phải quy trách nhiệm các bộ, ngành vào luật chuyển giao công nghệ sửa đổi để ngăn chặn công nghệ lạc hậu vào nước ta.
PV:Hiện nay có một thực trạng là công nghệ cũ lạc hậu đang vào nước ta, vừa tiềm ẩn mối lo ô nhiễm môi trường, vừa làm năng suất lao động không tăng, nhưng tại sao công nghệ cũ có thể dễ dàng vào nước ta, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Khánh: Công nghệ của chúng ta đã có những phần bắt kịp được với khoa học công nghệ thế giới. Nhưng đi kèm với khoa học công nghệ phải có thiết bị; tức là khoa học công nghệ đi kèm với thiết bị cho nên phải mua bản quyền. Thông thường ở Việt Nam hiện nay là công nghệ đi kèm với các dự án chứ ít khi chuyển giao công nghệ.
Cũng như nhập một cái ô tô đi kèm với nó là công nghệ nhưng ô tô là cái bé, còn cái lớn là cả công nghệ của một nhà máy. Nghĩa là nó song hành với nhau chứ không riêng lẻ. Cũng như việc, người ta cho mình công nghệ nhưng không có thiết bị thì làm sao mà làm được.
Nhưng khâu kiểm tra và thẩm định đang là khâu yếu của chúng ta?
Thẩm tra là do bộ chủ quản. Các bộ, ngành nhập thiết bị thì biết ngay công nghệ đó nằm ở đâu, quan trọng là có trình độ kiểm định hay không? Bởi chuyển giao công nghệ là theo dự án.
Các bộ, ngành người ta có điều kiện thẩm định được công nghệ, bởi có thể địa phương không biết nhưng các bộ, ngành bao giờ cũng biết mặt bằng công nghệ hiện nay như thế nào.
Bộ chủ quản còn nắm về khoa học công nghệ vững hơn Bộ Khoa học và công nghệ, vì Bộ Khoa học và công nghệ là quản lý chung, người ta làm sao có người để mà biết hết công nghệ trong các lĩnh vực được.
Còn bộ chủ quản lĩnh vực nào đều có chuyên gia trong lĩnh ấy hết. Ví dụ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông có chuyên gia về nông nghiệp. Bộ Công thương có chuyên gia về Công thương chứ ai năng động mà biết hết được. Vì thế cơ quan bộ, ngành là nắm rõ nhất và chuyên sâu nhất.
Như vậy các bộ, ngành đều biết rõ về công nghệ mà mình nhập về?
Đúng vậy do vậy luật chuyển giao công nghệ sửa đổi phải quy định rõ công nghệ do các bộ nhập thì các bộ sẽ chịu trách nhiệm. Nếu luật không quy định rõ trách nhiệm thì cũng giống như hai ông gác cửa nhưng ông nọ lại tưởng ông kiểm tra rồi. Trước kia còn chưa chín muồi chứ bây giờ quy định chặt chẽ sẽ đảm bảo việc quản lý công nghệ đi vào đồng nhất.
Như thời gian qua, chúng ta nhập công nghệ xi măng lò đứng, hay từ công nghệ xử lý của Fomosa gây ô nhiễm môi trường là do chúng ta thiếu luật hay do chế tài chưa nghiêm?
Phải đối chiếu vào thời điểm lịch sử do lúc đó ta cần nhiều xi măng nên chỉ cần sản xuất được xi măng chứ chưa lường hết, tính hết được. Bây giờ đã bắt đầu đến mức cần siết lại. Công nghệ vào nước ta từ 2 nguồn: Từ các dự án và chuyển giao như hàng hóa đơn lẻ. Phần lớn công nghệ vào nước ta là theo dự án cho nên cần tập trung rà soát các dự án.
Thưa ông, công nghệ đi kèm với giá thành nên chủ yếu các doanh nghiệp thường đầu tư công nghệ ít tiền?
Thực ra nó gắn liền với quyền lợi của doanh nghiệp, bản thân chủ đầu tư là nhà nước hay tư nhân thì phải tính đến yếu tố hiệu quả, kể cả về sản phẩm thị trường, môi trường. Cho nên từ đó phải lựa chọn những bài toán tối ưu mà bao giờ công nghệ mới sẽ đem lại hiệu suất tốt nhất cả về môi trường và hiệu quả.
Cho nên nhiều nơi đi đầu tư công nghệ mới ban đầu có thể đắt nhưng bền. Đó là bài toán về kinh tế. Vì thế bây giờ quy định của ta phải rõ ràng thì tất nhiên các nơi sẽ phải tuân theo. Lúc đó nó sẽ tạo áp lực và mọi nơi phải tính bài toán sử dụng công nghệ hiệu quả.
Nhưng các doanh nghiệp FDI họ đưa công nghệ sang nhưng ta làm sao có thể quản lý được để tránh họ đưa công nghệ lạc hậu vào?
Ngay từ đầu tư phải nắm được, với bộ máy mà làm chuẩn chỉ thì kiểm soát được ngay chứ có gì đâu, không có gì phức tạp cả. Mỗi ngành nghề đều hiểu rõ đỉnh cao và phổ thông của công nghệ là cái gì? nằm ở đâu? chứ không phải ngoài tầm của mình đâu.
Cho nên nguyên tắc là bao giờ cũng phải ưu tiên công nghệ mới vì công nghệ mới bao giờ cũng đã được kiểm nghiệm và thực tế rồi, có sự sống rồi thì nó đem lại hiệu quả tốt nhất còn bây giờ mình mà quy định thì họ phải áp dụng những công nghệ tương ứng.
Ví dụ yêu cầu môi trường thế này? nước thế này? không khí thế này? thì bắt buộc phải áp dụng công nghệ tương ứng còn mình chỉ kiểm soát đầu ra. Tức là ông dùng công nghệ gì thì kệ ông nhưng ông vi phạm thì tôi phạt. Từ đó dẫn đến bắt buộc ông phải dùng công nghệ hiện đại tương ứng.
Trân trọng cảm ơn ông!