Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước: Giúp người lao động ổn định cuộc sống

Lan Hương 15/11/2016 07:30

“Quỹ hoạt động trên nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận, nhằm phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp” - Đây là một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Quyết định về việc tổ chức lại Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, nhằm thay thế Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg đang được Bộ LĐTB&XH lấy ý kiến các bộ, ngành.

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước: Giúp người lao động ổn định cuộc sống

Xuất khẩu lao động được xem là kênh thoát nghèo bền vững.

Nhiều nội dung hỗ trợ chưa được triển khai

Theo Báo cáo của Bộ LĐTB&XH, sau hơn 8 năm hoạt động theo Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước đã thực hiện được các mục tiêu cơ bản, góp phần tích cực trong việc ổn định thị trường lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình điều hành quỹ, Bộ này nhận thấy có một số phát sinh cần bổ sung và điều chỉnh Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg.

Cụ thể, nguồn thu của quỹ chỉ từ ngân sách, doanh nghiệp và người lao động; chưa bảo tồn và tăng trưởng quỹ; chưa xác định được tiền đóng góp quỹ của doanh nghiệp; nhiều nội dung chi hỗ trợ hầu như chưa được thực hiện…

Đánh giá về tình trạng nói trên, Bộ LĐTB&XH cho biết, do cơ chế hoạt động của Quỹ chưa được quy định rõ nên tổ chức bộ máy còn lúng túng, đội ngũ cán bộ, nhân viên chậm được bổ sung, kiện toàn, do vậy ảnh hưởng đến kết quả triển khai các hoạt động của Quỹ.

“Nhà nước chỉ quy định mức trần tiền dịch vụ, còn doanh nghiệp được phép thỏa thuận với người lao động trước khi xuất cảnh về mức thu cụ thể tiền dịch vụ, cách thức thu (một lần hoặc thu làm nhiều lần), tỷ giá áp dụng theo thời điểm thu, loại tiền thu và cách hạch toán số thu tiền dịch vụ của doanh nghiệp cũng phức tạp nên việc xác định số thu tiền dịch vụ hàng năm để tính mức đóng góp Quỹ theo tỷ lệ 1% gặp nhiều khó khăn, mất thời gian và khó chính xác. Doanh nghiệp có thể lợi dụng vào những quy định này để khai không trung thực doanh thu tiền dịch vụ từ đó có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế và đóng góp Quỹ”- Báo cáo của Bộ LĐTB&XH nêu rõ.

Hơn nữa, một số nội dung chi, mức chi chậm được điều chỉnh hoặc không còn phù hợp với những chính sách, chương trình, đề án đang triển khai thực hiện.

Tăng mức hỗ trợ

Dự thảo lần này quy định mức hỗ trợ cao hơn để tăng ý nghĩa hỗ trợ của Quỹ, bổ sung một số nội dung hỗ trợ như lao động bị mất tích.

Ngoài ra, Dự thảo cũng đề nghị hỗ trợ người lao động phải về nước trước hạn vì chủ sử dụng bị giải thể, phá sản, thu hẹp sản xuất mà không phải lỗi của người lao động.

Dự thảo đề nghị hỗ trợ trong các trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, tranh chấp pháp lý…tại nước, vùng lãnh thổ có lao động Việt Nam làm việc ảnh hưởng đến tính mạng và quyền lợi của người lao động.

Hiện nay, Nhà nước chưa có các chính sách riêng để hỗ trợ người lao động sau khi làm việc ở nước ngoài về nước, nhất là những lao động về nước trước thời hạn vì lý do khách quan.

Để tạo điều kiện cho người lao động phải về nước sớm ổn định việc làm, cuộc sống, Dự thảo quyết định bổ sung nội dung hỗ trợ đào tạo nghề, tổ chức các phiên giao dịch việc làm để giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước; hỗ trợ chi phí xây dựng, vận hành trang web, cơ sở dữ liệu về người lao động và các doanh nghiệp để cung cấp thông tin kết nối việc làm cho người lao động.

Lan Hương