Chất vấn các vấn đề nóng
Hôm nay (15/11), QH khóa XIV, kỳ họp thứ 2 bắt đầu bước vào phiên làm việc đầu tiên của 2,5 ngày chất vấn- hoạt động được xem là trông đợi nhất của một kỳ họp QH. Với QH khóa XIV thì đây là lần đầu tiên thực hiện một phiên chất vấn trong bối cảnh có nhiều vấn đề xã hội còn bức xúc và số ĐBQH mới chiếm tới 70% trong cơ cấu ĐBQH khóa này. Vì thế, vấn đề chất lượng của chất vấn cũng sẽ khiến nhiều cử tri băn khoăn.
Một phiên họp tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Để chuẩn bị cho phiên chất vấn này, từ giữa tuần trước, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu về 5 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của 5 vị Bộ trưởng: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên & Môi trường và Nội vụ.
5 nhóm này đã được chọn từ 16 nhóm vấn đề dự kiến ban đầu qua ý kiến cử tri và sự quan tâm của đại biểu, sau đó xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, báo cáo Uỷ ban Thường vụ rồi gửi xin ý kiến đại biểu chọn ra 4 nhóm. Cũng phải đến tối 10/11 mới tổng hợp xong để chọn ra bốn vị Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội là các ông Trần Tuấn Anh, Phùng Xuân Nhạ, Trần Hồng Hà và Lê Vĩnh Tân.
Có điểm đặc biệt là trong một QH mới- một QH đã được trẻ hóa nhiều cả về tuổi đời của ĐBQH và cả về thâm niên hoạt động QH của ĐBQH thì băn khoăn về sức “nóng’ và độ “máu lửa” của các phiên chất vấn đầu tiên là hoàn toàn có lý. Nhất là, trong bối cảnh bốn vị Bộ trưởng cũng đều là các bộ trưởng mới nhậm chức cách nay chưa tròn năm. Cả bốn vị đều mới được phê chuẩn tại Quốc hội khoá XIV, đều lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Giống như tất cả các kỳ họp QH diễn ra vào cuối năm; trong khi các “tư lệnh ngành” trả lời chất vấn, nếu có gì chưa rõ, các vị Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực sẽ trả lời rõ thêm.
Và, như thường lệ, tại kỳ họp cuối năm, Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp và thời gian dành cho ông cũng là một buổi như các vị Bộ trưởng khác. Trước khi trả lời trực tiếp, Thủ tướng sẽ có một Báo cáo chung về các vấn đề nổi lên qua các phiên chất vấn.
QH nhiệm kỳ mới với nhiều ĐBQH mới và các thành viên Chính phủ cũng nhiều người mới; thế nên, lần này, QH cũng sẽ có một đổi mới.
Tuy nhỏ thôi nhưng cũng hết sức đáng lưu tâm. Đó là, tại kỳ họp này, các vị đại biểu có thể giơ biển khi muốn tranh luận, giống như tại các phiên thảo luận ở hội trường vừa qua. Điều này được Tổng Thư ký QH kỳ vọng là làm cho các phiên chất vấn có thể sẽ sôi động hơn. Đó là nói về những câu chuyện mang tính kỹ thuật của phiên chất vấn.
Còn về nội dung, nhiều vấn đề được cả cử tri và đại biểu quan tâm đã được đưa vào chương trình chất vấn. Thời gian qua, dư luận cử tri và nhân dân cũng đặt nhiều câu hỏi về các vấn đề của ngành công thương; giáo dục; tài nguyên- môi trường và nội vụ.
Đó là những vấn đề bức xúc lâu ngày, có nhiều vụ việc giờ qua thanh kiểm tra đã phát hiện sai phạm; rất cần được xử lý rốt ráo. Vì thế, chọn lựa các vấn đề gắn với 4 ngành này là sự lựa chọn đúng.
Phát biểu khi thảo luận về kinh tế - xã hội, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã nói: Chúng ta luôn cảm nhận được sự sâu sát, quyết liệt trong từng lời nói, từng hành động của một Chính phủ hành động và kiến tạo như Thủ tướng đã khẳng định. Kết quả kinh tế - xã hội của năm 2016, tính cho đến thời điểm này, tôi cho cũng đã thể hiện vai trò của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu không nâng cao được chất lượng quản lý nhà nước, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương và nhất là không chống được nhũng nhiễu và tiêu cực thì mục tiêu đặt ra khó có thể đạt được và nếu có đạt được thì cũng không bền vững. Tôi xin nêu hai vấn đề tiêu cực mong được sự quan tâm của Chính phủ.
Vẫn theo ĐB này, chúng ta có quyền hỏi: Chính phủ quyết liệt là vậy nhưng tại sao xã hội vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc và nguyên nhân của nó là gì? Tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội là những vấn đề bức xúc đó đều có một điểm chung, có chung một nguyên nhân, đó là sự vận hành của bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức và viên chức.
Rằng bộ máy nhà nước tự thân nó không làm nên điều gì mà nó được tạo nên bởi hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thực tế những vấn đề xảy ra cái gì cũng có thể được giải thích là do buông lỏng quản lý. Sự giải thích đó luôn luôn đúng và mãi mãi đúng. Quản lý nhà nước lâu nay luôn chạy theo mọi vấn đề cần được quản lý, mà lẽ ra quản lý phải đi trước một bước.
Lại nói về quản lý, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) nhận xét: Về vấn đề ổn định, nâng cao chất lượng của bộ máy quản lý nhà nước thì mỗi người chúng ta ai cũng nhận thấy sự cồng kềnh của bộ máy quản lý nhà nước của nước ta. Và thực trạng hiệu quả của bộ máy này, đúng như lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu tại nhiệm kỳ trước, trong đó bộ máy quản lý nhà nước của ta vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.
Nhận thức được điều này, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có chỉ đạo quyết liệt, song khi vào cuộc lại bế tắc. Chủ trương sắp xếp, bố trí lại bộ máy, bố trí vị trí việc làm đã được triển khai từ nhiệm kỳ trước nhưng đến giờ này vẫn chưa xong.
Các đề án vị trí việc làm của các địa phương hiện nay, theo tôi nắm tình hình vẫn còn ở tại Bộ Nội vụ. Do chưa có đề án áp dụng nên bộ máy cồng kềnh tiếp tục được tồn tại, kéo theo nguồn chi nuôi bộ máy này quá lớn nhưng đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vẫn chưa được cải thiện.
Chuyện công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về như vậy có nguyên nhân từ cung cách quản lý. Tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn chung chung, theo hướng cào bằng, khó phát huy được năng lực của mọi người.
Vì vậy, hễ cứ có chuyện xảy ra ở đâu thì “chính quyền mới lập cập đến tuyên bố rà soát xử lý nghiêm vi phạm” (lời của ĐB Nguyễn Sỹ Cương).
Trong khi, lẽ ra việc đó phải được làm từ lâu rồi chứ không phải để đến lúc xảy ra mới làm. Điều đáng nói là trong lúc đội ngũ cán bộ, công chức đông như thế, tinh giảm biên chế gần như dậm chân tại chỗ.
Thử hỏi số lượng cán bộ, công chức nhiều mà công việc quản lý nhà nước không được thực hiện nghiêm túc thì cán bộ, công chức làm gì? Xây dựng một Chính phủ hành động, vì dân và kiến tạo theo quan điểm của người đứng đầu Chính phủ có lẽ việc đầu tiên cần phải làm vẫn là rà soát lại ”cái gốc”.
Vì thế, ngoài Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ trưởng Bộ Nội vụ chắc chắn sẽ nhận được nhiều chất vấn và hy vọng phiên chất vấn sẽ “nóng” ở mức cần thiết cả từ hai phía: Người hỏi và người đáp.