Tôn trọng bản sắc truyền thống

Minh Quang 15/11/2016 10:00

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung không tổ chức nghi thức “đâm trâu” trong các lễ hội truyền thống. Quyết định này đang nhận được những ý kiến trái chiều trong cộng đồng.

Tôn trọng bản sắc truyền thống

Hằng năm buôn làng thường tổ chức lễ hội ăn trâu.

Người cho rằng cần giữ lại, vì đây là nghi lễ độc đáo, góp phần làm nên bản sắc các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần loại bỏ vì đây là việc làm có tính man rợ trong xã hội hiện đại.

Như nhiều người đã biết đâm trâu là nghi thức quan trọng trong phần lớn các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, được nêu khá nhiều trong các tài liệu nói về truyền thống văn hóa của cư dân bản địa Tây Nguyên.

Nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì gọi chính xác đây phải là tục ăn trâu-bơng kbâo, sa k’bâu chứ không gọi là “lễ hội đâm trâu” như các nhà quản lý lâu nay vẫn gọi.

Để tạ ơn Thần linh, hằng năm buôn làng thường tổ chức lễ hội ăn trâu. Tùy theo mục đích, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế và phong tục, tập quán của từng dân tộc mà lễ hội đâm trâu được tổ chức trong những thời điểm, khoảng thời gian và không gian khác nhau. Song lễ hội thường được tổ chức bên cạnh những ngôi nhà chung của buôn làng như nhà dài, nhà rông...

Người chủ lễ thường là một già làng. Tuy nhiên đâm trâu chỉ là một trong những nghi thức nằm trong các lễ- hội, chứ không hề tồn tại một “lễ hội đâm trâu” riêng như có người vẫn gọi nhầm.

Nhà văn Linh Nga Niê Kdam- đồng thời cũng là một người nghiên cứu về văn hóa bản địa của đồng bào Tây Nguyên bày tỏ: Ăn trâu chính là một trong những đặc trưng tiêu biểu, là sản phẩm của nền văn minh nương rẫy vô cùng khác biệt của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Đáng lẽ thay vì cấm đâm trâu trong các khu du lịch, các lễ hội thương mại thì nay lại đi cấm lễ hội truyền thống của người dân…Bà cũng dẫn lời của cố GS Trần Quốc Vượng lúc sinh thời cho rằng hiểu và học bằng hết nếp sống truyền thống của nước Việt ta xưa, cũng đã là quá tốt rồi…

Việc Lâm Đồng ra quyết định không tổ chức nghi lễ đâm trâu lại khiến nhiều người liên tưởng tới câu chuyện thực hành nghi lễ chém lợn ở làng Ném Thượng- Bắc Ninh, một chủ đề “nóng” suốt hai mùa lễ hội gần đây.

Cụ thể, với kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội năm 2016, UBND TP Bắc Ninh cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc nội dung trong công văn của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc quản lý, tổ chức lễ hội Ném Thượng (phường Khắc Niệm), trong đó yêu cầu không thực hiện tục “chém lợn”. Hướng giải quyết hình thức thay thế tục “chém lợn” là đưa lợn vào khu vực riêng để làm cỗ ngọc tế thánh…

Nhưng cho dù thế thì người dân làng Ném Thượng cũng chưa thực sự tâm phục khẩu phục. Theo phân tích của các bậc cao niên thì đây là tục hiến sinh trong lễ hội làng truyền thống, gắn liền với đời sống tâm linh. Người dân trong làng đã thực hành nghi lễ này bao đời nay, chứ đâu phải là một nghi lễ mới phát sinh. Họ cũng phản đối những quan điểm cho rằng đây là sự man rợ…

Liên quan đến câu chuyện này, chúng tôi cũng đã từng đề cập nhiều lần tới việc nhà quản lý và cộng đồng chưa thống nhất về việc thực hành nghi lễ truyền thống trong lễ hội văn hóa dân gian, nhất là trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Theo đó cho dù đang có xu hướng “hành chính hóa” lễ hội, thì câu hỏi lớn vẫn đang được đặt ra chưa có lời giải thỏa đáng. Rằng gìn giữ nghi lễ truyền thống của hội làng, của lễ hội hay bãi bỏ tục hiến sinh? Đây cũng chính là câu hỏi từng gây tranh cãi ngay cả ở một hội nghị sơ kết cấp Bộ cách nay tròn 1 năm về trước.

Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng những nghi lễ truyền thống vốn gắn với hội làng, gắn với sinh hoạt tín ngưỡng của một vùng, được thực hành thường xuyên trong cộng đồng cần được tôn trọng.

Trò chuyện với GS Trần Lâm Biền (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia), ông cho rằng: Việc tiếp tục duy trì hay loại bỏ những lễ hội, nghi thức trong lễ hội văn hóa dân gian-hãy hỏi ý kiến của cộng đồng dân cư bản địa.

Trước một mùa lễ hội mới 2017 đang về, hi vọng tất cả những quyết tâm gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tại lễ hội được nhà quản lý thấu hiểu và cộng đồng chung tay ủng hộ.

Minh Quang