Lấy ý kiến Mặt trận trước khi xây dựng các công trình thủy lợi lớn
Ngày 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật thủy lợi. Nhiều ĐB cho rằng, cần đảm bảo an toàn chặt chẽ của các công trình thủy điện, thủy lợi vì liên quan đến lợi ích của người dân, đảm bảo nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng tránh trường hợp xả nước vào mùa lũ gây thiệt hại đến vùng hạ du.
Ảnh minh họa.
Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh đến vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, điều 9 của Hiến pháp mới cũng đã hiến định vai trò của Mặt trận, và gần đây Luật Mặt trận năm 2015 cũng quy định vấn đề giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Vì thế các công trình thủy lợi trước khi xây dựng phải lấy ý kiến của Mặt trận để tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân. Cho nên, Mặt trận phải lấy ý kiến phản biện đối với các công trình thủy lợi trước khi xây dựng, và giám sát hoạt động của các cơ quan tổ chức tham gia thủy lợi.
Đồng quan điểm việc cần lấy ý kiến người dân sống ở vùng hạ du trước khi xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện vì tác động nhiều đến đời sống của họ, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, phải nhắm tới đa ngành, đa mục tiêu trong xã hội hóa các hoạt động thủy lợi. Đặc biệt những công trình lớn phải đáp ứng với vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra.
Trong khi đó nhấn mạnh vấn đề hồ chứa nước ở phía trên đầu nguồn cần cần đảo bảo chặt chẽ, an toàn cho vùng hạ du ĐB Trương Anh Tuấn (Nam Định) đề nghị, phải bồi thường nếu gây ra thiệt hại.
ĐB Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) cho rằng công trình thủy lợi lớn không những góp phần đảm bảo an ninh, an sinh xã hội, quốc phòng quốc gia mà phải tranh thủ nguồn lực thiên nhiên để phát huy tác dụng hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra trong thời gian tới.
Ông Thắng dẫn chứng: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long như tại Đồng Tháp Mười có vai trò giữ nước mùa lũ và xả nước khi khô. Nhưng trong quá trình phát triển thời gian qua chúng ta đã xả lũ ra biển Đông. Cho nên cần lũ thì không có lũ để người dân đánh bắt cá vì vậy cần khôi phục lại nguồn lợi này, ngoài ra còn có vai trò giữ nước chống biến đổi khí hậu bởi vì xâm nhập mặn mà có nước này thì trong mùa khô sẽ điều tiết được.
Đặt vấn đề: Ai là người xem xét để hủy các công trình thủy lợi “lợi ít nhưng hại nhiều”, ông Thắng cho rằng không phải xây xong mà cứ để như thế. Do vậy luật này cần phải có quy định xem xét hủy bỏ các công trình thủy lợi không phát huy được tác dụng.
Theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay nếu chúng ta áp dụng xây dựng các công trình thủy lợi và hệ thống tưới tiêu theo kiểu cũ thì chiếm nhiều đất, chưa kể gây úng hạn ở vùng đất cao, còn ngập lụt ở vùng đất thấp.
Do đó cần áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để làm sao xây dựng công trình thủy lợi ít đất, ít tốn diện tích nhưng vẫn phát huy được hiệu quả, đảm bảo an toàn.
“Đặc biệt luật chưa thấy nêu trách nhiệm của Quốc hội và HĐND các cấp trong vấn đề thủy lợi, xử lý ô nhiễm môi trường nước. Bởi vì nước sạch thì mới đảm bảo thủy lợi chứ nếu nước bị ô nhiễm là bất lợi”-bà Khánh bày tỏ.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường bày tỏ quan điểm tiếp thu 22 ý kiến của các vị ĐBQH góp ý cho dự thảo luật.
Theo ông Cường, đây là lần đầu tiên dự luật được đưa ra xin ý kiến các vị ĐBQH. Trên tinh thần góp ý, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến để chỉnh sửa lại cho phù hợp, và trình xin ý kiến các ĐBQH tại kỳ họp thứ 3.
Ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA, PPP Cùng ngày, với 82,15% số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương là 729.730 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương 482.450 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương là 902.030 tỷ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Theo Nghị quyết này Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang; hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng; ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án hợp tác công tư (PPP), xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, đối với tất cả các khâu trong quá trình đầu tư. |