Tưng bừng lễ hội Ok Om Bok

Quốc Trung 15/11/2016 00:59

Những ngày qua, đồng bào Khmer ở các phum sóc ở các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là 2 tỉnh là Trà Vinh và Sóc Trăng lại rộn ràng đón mừng lễ hội truyền thống Ok Om Bok (còn gọi là Lễ cúng Trăng hay “Đút cốm dẹp”) vào ngày 14, 15/10 Âm lịch.

Tưng bừng lễ hội Ok Om Bok

Nhộn nhịp lễ đua ghe ngo tại Sóc Trăng.

Rộn ràng lễ hội đua ghe ngo

Hoạt động sôi động nhất được bà con chuẩn bị và đón mừng tại lễ Ok Om Bok là lễ hội đua ghe ngo truyền thống. Trước đó cả tháng trời, bà con Khmer nhất là các thành viên của đội tuyển đua ghe ngo ráo riết tập luyện để có được thành tích tốt nhất cho địa phương. Những năm qua, Kiên Giang là một trong những địa phương có thế mạnh về các giải đua ghe ngo với nhiều đội mạnh.

Anh Hồ Duy Nhơn, vận động viên đội đua ghe ngo nam chùa Thủy Liễu (xã Thúy Liễu, huyện Gò Quao, Kiên Giang) cho biết: Trong đội có khoảng 60 người, hầu hết các thành viên của đội là những người có kinh nghiệm và sức khoẻ. Tôi đã tham gia đua ghe ngo đến nay được 4 năm. Năm nay Kiên Giang tổ chức giải đua ghe ngo với quy mô lớn hơn những năm trước nên số lượng ghe ngo của các đội ở các chùa tham dự tăng lên rất nhiều làm cho mùa giải thêm sôi nổi hẳn.

Ở các tỉnh, thành có đông đồng bào Khmer như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang… hầu như tỉnh nào cũng đều tổ chức lễ hội đua ghe ngo.

Đây cũng là lễ hội được bà con đồng bào Khmer háo hức tham gia. Năm nào cũng thế, vào ngày 14, rằm tháng 10, trên sông Maspero tại thành phố Sóc Trăng cũng diễn ra lễ hội Ooc Om Boc-Đua ghe ngo với qui mô cấp vùng.

Chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Lý Bình Cang- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, Phó Trưởng Ban tổ chức lễ hội Ok Om Bok năm 2016 cho biết: Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động đặc sắc như: Lễ cúng trăng, hội thi thả đèn nước, giải đua ghe Ngo và hội chợ triển lãm trong đó giải đua ghe ngo được xem là điểm nhấn của lễ hội, thu hút hàng trăm ngàn bà con từ khắp nơi tụ tập về đây...

Ở Trà Vinh cũng vậy, Giải đua ghe ngo truyền thống được tổ chức chiều ngày 13/11 tại sông Long Bình, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Tham gia giải lần này có 6 đội ghe, với gần 400 vận động viên đại diện cho các huyện, thành phố trên địa bàn. Ông Nguyễn Đại Đức- Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Trà Vinh cho biết: Lễ hội Ok Om Bok năm nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ trương tổ chức các hoạt động vui chơi cho bà con trong tỉnh thật sôi nổi, có đua ghe ngo, thi đấu bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo….

Cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, an vui hạnh phúc

Lễ hội Ok Om Bok được tổ chức dưới các hình thức như: lễ tại gia đình, lễ ở chùa hoặc các điểm của cộng đồng trong phum sóc.

Lễ cúng Trăng được tổ chức vào ban đêm, lúc mặt trăng vừa nhô lên khỏi ngọn cây. Các lễ vật cung tiến khá đơn giản, gần gũi, chủ yếu là sản vật do bà con vun trồng, cấy hái có được như: khoai môn, khoai mì, trái dừa tươi, chuối, các loại bánh làm từ bột…

Đặc biệt, lễ vật dâng cúng không thể thiếu là cốm dẹp. Tất cả các lễ vật được trưng bày đẹp mắt trên chiếc bàn đặt giữa sân, mọi người trong gia đình cùng nhau cầu nguyện, tạ ơn thần linh.

Sau đó, nghi thức quan trọng khác được thực hiện là Lễ Ok Om Bok, tức là Lễ Đút cốm dẹp. Sư sãi, các vị achar, người có uy tín trong cộng đồng, phum sóc hoặc người cao tuổi nhất (trong gia đình) chọn thức ăn mỗi thứ một ít nắm vào tay, trong từng nắm ấy lúc nào cũng phải có cốm dẹp.

Người chủ sự lần lượt đút vào miệng từng trẻ nhỏ song song với động tác vỗ nhẹ sau lưng cùng với câu hỏi: “Cháu (con) ước muốn điều gì?”.

Trẻ nhỏ sẽ bày tỏ ước mơ, hoài bão của mình. Lễ Đút cốm dẹp cầu mong cuộc sống no đủ, phồn thịnh. Sau các nghi thức, mâm cúng được dọn xuống chiếu và mọi người cùng quây quần thưởng thức, với ý nghĩa chung hưởng lộc của Thần Mặt Trăng, cũng là thể hiện sự gắn bó, kết chặt tình thân, “chia ngọt sẻ bùi”.

Thời điểm này, bà con cơ bản thu hoạch xong vụ mùa nên tham dự lễ hội thoải mái hơn.

Đêm rằm tháng 10 âm lịch, Lễ cúng Trăng gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán của người Khmer ở Nam Bộ được tổ chức tại chùa, trở thành sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân gian và là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong đời sống tâm linh, đời sống văn hóa của người Khmer. Lễ hội góp phần tạo ra đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, củng cố bền vững khối đoàn kết cộng đồng các dân tộc...

Quốc Trung